PHÚC ÂM: Ga 4,43-54
"Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi". (Ga 4,50)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi
Ga-li-lê. 44 Chính Người đã quả quyết : ngôn sứ không được tôn trọng tại
quê hương mình. 45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người,
vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ,
bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.
46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê,
là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của
nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. 47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến
Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48 Đức Giê-su nói với ông : "Các ông mà
không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu !" 49 Viên sĩ quan nói : "Thưa Ngài, xin
Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !" 50 Đức Giê-su bảo : "Ông cứ về đi, con
ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. 51Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp
và nói là con ông sống rồi. 52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp :
"Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." 53Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su
đã nói với mình : "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin. 54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi
Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
Suy niệm:
Chữa con một quan chức
Một thiếu nữ có
giọng hát thiên phú, cô luyện giọng với một giáo sư âm nhạc tài ba, cô đã hát được
những giai điệu tuyệt hảo. Thế nhưng khi trình diễn, cô vẫn thấy giọng hát của
cô chưa được truyền cảm. Vị giáo sư âm nhạc giải thích cho cô: “Tôi đã dạy cô tất cả
những gì tôi biết, nhưng cô còn thiếu một điều mà tôi không thể cung cấp cho cô
được, điều đó đến từ cuộc sống: chỉ có kinh nghiệm của cuộc sống, chỉ có những điều
làm tan vỡ cõi lòng mới làm cô hát với tất cả cảm xúc”.
Bước vào tuần 4
mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn
của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục Sinh của Ngài. Cuộc
sống với những khổ đau mà chúng ta đang trải qua quả là một cuộc tử nạn dai dẳng.
Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng
chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày
đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm
kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu
phó thác của Ngài. Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ
chung của mọi người. Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử
thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ.
Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của
Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
Đó cũng chính là
tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm
về lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa
một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài
chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người
cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.
Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau
khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng
có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác. Nguyện xin Đấng là đường, là sự
thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng ta giữa những đau khổ đè nặng trên
thân xác và tâm hồn chúng ta.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Lời Chúa còn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng,
cuộc sống mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc này cũng chính là cuộc sống đời
sau, khi tôi kết thúc cuộc đời trần thế. Tôi sẽ vui mừng hân hoan khi được ở
bên Chúa, khi tôi sống bên Chúa và sống trong ân sủng của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con một niềm tin vững mạnh vào Chúa và xin cho con ở bên
Chúa trong mọi nơi mọi lúc để đời sống của con là một dấu chỉ của niềm vui và
bình an của Chúa.
Lẽ sống:
Dachau
Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ
xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới
thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là
khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.
Edmond Michelet,
văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại
ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các
linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công giáo, bất chấp mọi
đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.
Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh
áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp
thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.
Sau Thánh lễ, một
số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được
giam riêng trong phòng đặc biệt... Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn
luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.
Vào khoảng cuối
năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế
người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối... Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến
chuyện phong chức linh mục cho thầy... Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận
tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người
Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị
giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức
linh mục cho một chủng sinh người Ðức.
Vị tân linh mục
đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của
Ngài... Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền
Bù...
Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này
sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị
như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa
người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.
Dạo tháng 6 năm
1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung
Dachau để kỷ niện 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm
gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại
đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi
lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận
thù.
Ðó cũng chính là
lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta
không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi
lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha
thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ
giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét