PHÚC ÂM: Ga 20,11-18
“Bà Maria tưởng là người làm vườn” (Ga 20,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên
mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi
ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía
chân. 13 Thiên thần hỏi bà : "Này bà, sao bà khóc ?" Bà
thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở
đâu !" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà
không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : "Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm
ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : "Thưa ông, nếu
ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem
Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà : "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói
bằng tiếng Híp-ri : "Ráp-bu-ni !" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). 17 Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy
lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : '
Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của
Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em '." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ
: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Suy niệm:
Niềm tin Phục Sinh
Niềm tin và sự gặp
gỡ của con người với Ðấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại
và khổ đau. Ðiều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Chúa Giêsu. Vào giữa
lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi
theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng
đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được
gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến
với bà.
Quả thật, Ðấng
Phục Sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những
hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với
họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là
một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây
phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay. Ðể tin nhận Ngài, con người luôn làm một bước
nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất
mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định
luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương
nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng
hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất,
bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa
những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.
Sống Lời Chúa:
Niềm tin Phục
Sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã
ban cho chúng ta niềm tin ấy và xin Ngài củng cố niềm tin ấy cho chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp con nhiệt tâm yêu mến,
tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena. Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến thì
con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con.
Lẽ sống:
Khúc nhạc tuyệt vời
Một đêm kia, ông
Paganini, một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng vào thế kỷ 19 bước ra sân khấu và chỉ
khám phá nhạc khí ông đang cầm trên tay có cái gì bất bình thường sau khi những
tràng pháo tay của khán giả ngưỡng mộ ông nổi lên vang dậy và chấm dứt. Nhìn kỹ
lại chiếc đàn lần thứ hai, nhạc sĩ Paganini mới nhận thấy đây không phải là cây
vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc đã đưa ông lên đài danh vọng.
Ông đứng bất động
trong giây phút, rồi bắt buộc phải lên tiếng xin lỗi khán giả đang nóng lòng chờ
đợi nghe những điệu nhạc tuyệt diệu của ông. Paganini giải thích: "Vì lý
do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây phút vì tôi đã lấy lộn cây
đàn". Cáo lỗi xong, Paganini lách mình sau bức màn sân khấu và yên trí là
cây đàn bất hủ của mình vẫn nằm nơi ông đã đặt nó. Nhưng ông không khỏi bàng
hoàng khi nhận ra là có người đã đánh cắp nhạc khí quý giá của ông khỏi thùng
đàn và đã đặt một cây đàn rẻ tiền khác thay thế vào. Nhạc sĩ Paganini đứng yên
như bức tượng một hồi lâu rồi như một ý nghĩ gì lóe lên trong trí óc, ông cương
quyết cầm cây đàn tầm thường bị đánh tráo trở lại sân khấu và lớn tiếng tuyên bố:
"Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp
cây đàn quý giá của tôi, nhưng trong buổi trình diễn này, tôi muốn chứng minh
cùng quý vị là: vẻ đẹp và cái tinh túy của nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng
nằm trong tâm hồn của nhạc sĩ".
Nói xong, nhạc
sĩ tài ba bắt đầu dạo nhạc và từ cây vĩ đàn tầm thường ông đã say sưa trình diễn
những khúc nhạc tuyệt vời tưởng chừng như bất tận, cho đến khi khán giả say mê
ngây ngất, đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy vì ông Paganini đã thật sự chứng
minh với họ là: Tinh
thần nhạc không tùy thuộc ở trong nhạc khí nhưng hàm ẩn trong tâm hồn của nhạc
sĩ.
Ðây cũng là sứ mệnh
của các tín hữu Kitô: Hằng ngày sau một giấc ngủ yên, họ bừng chỗi dậy để ra
sân khấu cuộc đời trình diễn khúc nhạc: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Gặp thời kỳ
thuận tiện hay bất lợi, gặp môi trường sinh sống xứng hợp với khúc nhạc hay
không, gặp những người chung sống có chấp nhận hay từ chối, cuộc sống của người
Kitô hữu phải chứng minh rằng: Khúc nhạc "Thiên Chúa là Tình Yêu" không thể bị lệ
thuộc vào những hoàn cảnh, vào những môi trường sinh sống bên ngoài, nhưng phải
là khúc nhạc xuất phát từ tâm hồn như những điệu nhạc tuyệt vời của nhạc sĩ
Paganini không bị lệ thuộc vào nhạc khí, nhưng đã xuất phát từ tâm hồn điêu luyện
say mê âm nhạc của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét