Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Lời Chúa: Thứ Sáu 01.04.2016 TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Ga 21,1-14
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn". (Ga 21,13)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp : "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : "Này các chú, không có gì ăn ư ?" Các ông trả lời : "Thưa không." 6 Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : "Chúa đó !" Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : "Đem ít cá mới bắt được tới đây !" 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : "Anh em đến mà ăn !" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai ?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Suy niệm:
Sống khiêm tốn tin tưởng vào Chúa

Khi hiện ra với các bà phụ nữ, Chúa Giêsu bảo các bà về báo tin cho các môn đệ đến Galilê để gặp Người. Nghe theo lời loan báo những người phụ nữ các môn đệ trở về Galilê. Trong tâm trạng buồn bã, các ông rủ nhau đi đánh cá. Tuy Các ông là những những đánh cá chuyên nghiệp, vậy mà đánh bắt cả đêm chẳng được con cá nào. Thất vọng, mệt mỏi cuốn lưới định nghỉ ngơi, thì lúc đó, Chúa Giêsu hiện đến, bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, nơi gần bờ. Các ông tin vào Lời ấy mà thả lưới. Kết quả, đánh được một mẻ cá đầy, không sao kéo lên nỗi. Bấy giờ, Gioan nhận ra nói đó là Chúa, Phêrô mặc ngay áo vào, nhảy xuống biển, bơi vào bờ.
Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bữa ăn sáng cho các ông với cá nướng và bánh. Trong bữa ăn Người cầm bánh và cá trao cho các ông, một cử chỉ quen thuộc giúp các ông càng xác tín Chúa đã phục sinh.
Lời Chúa hôm nay xác quyết cho chúng ta hiểu rằng: “không có Ta, các ngươi không làm gì được”. Bằng chứng, Các môn đệ đã vất vã, cực nhọc suốt đêm mà chẳng có gì. Nhưng khi có sự hiện diện của Chúa, các ông bắt được rất nhiều cá.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ kiêu căng, tự mãn về những hiểu biết và khả năng của mình, nhưng luôn khiêm tốn tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa.

Sống Lời Chúa:
Tin mừng hôm nay tường thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ ở biển hồ Tibêria, giúp các ông đánh bắt được một mẻ cá đầy. Xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng ta, để những việc hàng ngày của chúng ta đạt được nhiều kết quả tốt đẹp theo ý Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại và đang sống giữa chúng con. Xin cho con vững tin và sống đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Lẽ sống:
Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà
Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ và cách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài... Và xin cho mọi gia đình luôn có sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Lời Chúa: Thứ Năm 31.03.2016 TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Lc 24,35-38
“Bình an cho anh em” (Lc 24,36)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !"37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ?

Suy niệm:
Ðau khổ là một hồng ân

Trong ánh sáng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Khi hiện ra cho hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu đã dẫn giải cho các ông về ý nghĩa của đau khổ trong tương quan với sự phục sinh của Ngài. Ngài đã trải qua đau khổ để tiến vào vinh quang. Cuộc khổ nạn là tiền đề bắt buộc của sự sống lại. Như Phêrô có lần đã can ngăn, các môn đệ khách cũng không chấp nhận được sự kiện Chúa Giêsu phải chết, và vì thế các ông cũng không tin ở sự phục sinh của Ngài.
Trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi để nhìn vào nỗi cay cực khốn khổ hiện tại của chúng ta. Trong huấn thị về việc làm cho chết êm dịu công bố năm 1990, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã viết:
"Sự đau khổ, nhất là trong những giây phút cuối đời, mang một ý nghĩa đặc biệt trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thực, đau khổ là tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và kết hợp với Hy Tế cứu rỗi của Ngài. Hy Tế mà Ngài đã dâng hiến như của lễ đẹp lòng Chúa Cha".
Mẹ Têrêsa Calcutta thì coi đau khổ như một hồng ân của Chúa, Mẹ nói:
"Tôi tự hỏi thế giới này sẽ ra sao, nếu không có những người vô tội đang đền bù cho tất cả chúng ta. Mỗi ngày, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc sống của những người đau khổ. Ðau khổ không phải là một trừng phạt. Ðau khổ là một hồng ân. Chính vì thế cần có tâm hồn trong sạch để nhận ra bàn tay Chúa, để cảm nhận tình yêu của Ngài trong đau khổ của chúng ta".
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Ước gì ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu dọi vào tăm tối của những đau khổ thử thách của chúng ta, để trong mọi sự chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa và làm chứng cho tình yêu ấy bằng thái độ phó thác và yêu thương.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho con hiểu rằng, bên trên các gai nhọn là đóa hồng rực rỡ. Bên trên lớp mây mù ảm đạm là vầng thái dương huy hoàng. Có được một xác tín như vậy, chắc chắn cuộc sống của con sẽ là chuỗi ngày vui mừng, hy vọng và tràn trề cậy trông vào Chúa Kitô Phục Sinh.

Lẽ sống:
Chọn lựa

Ðời người là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.
Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ... Sau một ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: "Công việc của ông giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa".
Chọn lựa và quyết định là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.
Thú vật dường như không có chọn lựa vàquyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.
Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa... Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa phải bận tâm?".
Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.
Thiên Chúa đã yêu thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài... Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Lời Chúa: Thứ Tư 30.03.2016 TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Lc 24,13-35
“Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa” (Lc 24,28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19 Đức Giê-su hỏi : "Chuyện gì vậy ?" Họ thưa : "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy." 
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : "Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?" 
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Suy niệm:
Trên đường Emmaus

Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.
Cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: "Ðâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?"
Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Ðây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin Chúa quyền năng của Đấng Phục sinh cũng tỏ hiện nơi chúng con; để trong mọi cảnh sống chúng con biết can trường bước theo Chúa.

Lẽ sống:
Chết thay cho người

Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuật này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thân quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".

Lời Chúa: Thứ Ba 29.03.2016 TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Ga 20,11-18
“Bà Maria tưởng là người làm vườn” (Ga 20,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : "Này bà, sao bà khóc ?" Bà thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : "Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà : "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : "Ráp-bu-ni !" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). 17 Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ' Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em '." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Suy niệm:
Niềm tin Phục Sinh

Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Ðấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Ðiều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Chúa Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
Quả thật, Ðấng Phục Sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay. Ðể tin nhận Ngài, con người luôn làm một bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.

Sống Lời Chúa:
Niềm tin Phục Sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta niềm tin ấy và xin Ngài củng cố niềm tin ấy cho chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhiệt tâm yêu mến, tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena. Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến thì con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con.

Lẽ sống:
Khúc nhạc tuyệt vời

Một đêm kia, ông Paganini, một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng vào thế kỷ 19 bước ra sân khấu và chỉ khám phá nhạc khí ông đang cầm trên tay có cái gì bất bình thường sau khi những tràng pháo tay của khán giả ngưỡng mộ ông nổi lên vang dậy và chấm dứt. Nhìn kỹ lại chiếc đàn lần thứ hai, nhạc sĩ Paganini mới nhận thấy đây không phải là cây vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc đã đưa ông lên đài danh vọng.
Ông đứng bất động trong giây phút, rồi bắt buộc phải lên tiếng xin lỗi khán giả đang nóng lòng chờ đợi nghe những điệu nhạc tuyệt diệu của ông. Paganini giải thích: "Vì lý do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây phút vì tôi đã lấy lộn cây đàn". Cáo lỗi xong, Paganini lách mình sau bức màn sân khấu và yên trí là cây đàn bất hủ của mình vẫn nằm nơi ông đã đặt nó. Nhưng ông không khỏi bàng hoàng khi nhận ra là có người đã đánh cắp nhạc khí quý giá của ông khỏi thùng đàn và đã đặt một cây đàn rẻ tiền khác thay thế vào. Nhạc sĩ Paganini đứng yên như bức tượng một hồi lâu rồi như một ý nghĩ gì lóe lên trong trí óc, ông cương quyết cầm cây đàn tầm thường bị đánh tráo trở lại sân khấu và lớn tiếng tuyên bố:
"Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của tôi, nhưng trong buổi trình diễn này, tôi muốn chứng minh cùng quý vị là: vẻ đẹp và cái tinh túy của nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng nằm trong tâm hồn của nhạc sĩ".
Nói xong, nhạc sĩ tài ba bắt đầu dạo nhạc và từ cây vĩ đàn tầm thường ông đã say sưa trình diễn những khúc nhạc tuyệt vời tưởng chừng như bất tận, cho đến khi khán giả say mê ngây ngất, đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy vì ông Paganini đã thật sự chứng minh với họ là: Tinh thần nhạc không tùy thuộc ở trong nhạc khí nhưng hàm ẩn trong tâm hồn của nhạc sĩ.
Ðây cũng là sứ mệnh của các tín hữu Kitô: Hằng ngày sau một giấc ngủ yên, họ bừng chỗi dậy để ra sân khấu cuộc đời trình diễn khúc nhạc: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Gặp thời kỳ thuận tiện hay bất lợi, gặp môi trường sinh sống xứng hợp với khúc nhạc hay không, gặp những người chung sống có chấp nhận hay từ chối, cuộc sống của người Kitô hữu phải chứng minh rằng: Khúc nhạc "Thiên Chúa là Tình Yêu" không thể bị lệ thuộc vào những hoàn cảnh, vào những môi trường sinh sống bên ngoài, nhưng phải là khúc nhạc xuất phát từ tâm hồn như những điệu nhạc tuyệt vời của nhạc sĩ Paganini không bị lệ thuộc vào nhạc khí, nhưng đã xuất phát từ tâm hồn điêu luyện say mê âm nhạc của ông.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Lời Chúa: Thứ Hai 28.03.2016 TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15
“Chị em đừng sợ, về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê, họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-theu.
Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : "Chào chị em !" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : "Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." 
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : "Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Suy niệm:
Phép lạ Phục Sinh

Tin Mừng hôm nay. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt.
Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ.
Những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.
Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.
Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.
Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.

Sống Lời Chúa:
Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh soi sáng và hướng dẫn tâm tư hành động của chúng ta, để trong mọi sự, chúng ta sống theo thánh ý Ngài, và như vậy, cảm nhận được phép lạ của tình yêu Ngài trong từng phút giây của cuộc sống.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Chúa trong yêu mến và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Chúa Kitô.

Lẽ sống:
Ðem lại một chút bầu trời

Ngày kia, tại miền Nam TrungQuốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân chúng sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và khỏi bị những viên gạch, những hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!".
Với những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: "Tại sao ông lại lo lắng cho tôi?". Nhà truyền giáo đáp lại: "Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta và cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của con".
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: "Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của ông?". Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: "Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt".
Kể từ ngày ấy cho đến 3 năm sau khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau: "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời".
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh chị em như chính mình". Chúng ta cố gắng áp dụng luật trên với niềm xác tín rằng: với những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, với sự trao nhau một nụ cười, một lời thông cảm, một sự tha thứ, với những hành động chia cơm sẻ áo, dù chỉ là một ly nước lã, với các lần thăm viếng các bệnh nhân: nấu cho họ tô canh, chén cháo, quét nhà, giặt giũ quần áo cho họ v.v... là chúng ta mang một chút thực tại Nước Trời đến trong xã hội trần thế.