Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Lời Chúa: Thứ Tư 10.08.2016 TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Năm C

THÁNH LAURENSÔ tử đạo - lễ kính
Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10 tháng 8 năm 258, sau đức Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người nghèo tài sản của cộng đoàn. Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến trong Hội Thánh.

PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26
"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó" (Ga 12,26)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."

Suy niệm:
Thánh Laurenso

Thánh Laurensô sinh ra trong một gia đình đạo đức: cha mẹ của Ngài là những người rất mực đạo hạnh. Ngài được cha mẹ hạ sinh tại miền Huescô, nước Tây Ban Nha. Vì cha mẹ Ngài rất sùng đạo, luôn ở trung tín với Thiên Chúa, với Hội Thánh và yêu thương mọi người, thánh nhân đã sớm được cha mẹ cho đi du học bên Roma và Ngài sống suốt cuộc đời tại đây. Thánh nhân học giỏi, chuyên cần và siêng năng đạo đức, trau dồi kiến thức, nên chẳng bao lâu tiếng tăm của Ngài đã vang dội khắp nơi. Đức Giáo Hoàng Sixtô liền triệu vời Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc cho tòa thánh. Thời GiáoHội sơ khai, chức phó tế không quá 7 người và chỉ có chức đó mới được chọn làm Giáo Hoàng. Cuộc bách đạo lúc đó nổi lên, Giáo Hội gặp sóng gió lớn, các kẻ thù tìm cách bắt vị thủ lãnh Giáo Hội để làm cho đàn chiên tan tác. Thánh Laurensô luôn kiên cường đi thăm viếng các tín hữu nơi các hang toại đạo, giảng dậy và ban các bí tích. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương các người nghèo nàn, nhất là những người ốm đau, bệnh tật. Thánh nhân bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng Ngài vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”(Ga 12,26)
Nhà vua đã tìm mọi cách để dụ dỗ thánh nhân bỏ đạo, nhưng thánh Laurensô đã một mực trung thành với Chúa và nhất quyết không bao giờ bỏ đạo. Vua căm phẫn vì không thuyết phục nổi thánh nhân, nên đã hạ lệnh cho lý hình nung đỏ giường sắt và đặt ngài trên đó. Thánh nhân đã vui cười chịu đựng và sau cùng đã ra đi về với Chúa trong bình an ngày 8 tháng 8 năm 258.

Sống Lời Chúa:
Bài Phúc Âm hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Laurensô vì tình yêu Chúa.
Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giesu, xin hãy khắc ghi thật sâu vào tâm trí con Lời Chúa dạy về hy sinh và phục vụ. Vì công nghiệp của thánh Laurenso tử đạo, xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em.

Lẽ sống:
Tài sản của Giáo Hội
  
Hôm nay, Giáo Hộ kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này...
Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự...
Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".
Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...
Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.
Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.
Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua. Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết chí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng. Quyết trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét