PHÚC ÂM: Mt 22, 1-14
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". (Mt
22,9)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng : 2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua
kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi
thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu
đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ
: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong,
bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới
!" 5 Nhưng quan khách không
thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết
chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn
thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của
chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ :
"Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng
đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các
ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai,
bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực
khách.
11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát
khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : "Này bạn, làm sao
bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?" Người ấy câm miệng không nói
được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : "Trói chân tay
nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc
nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
Suy niệm:
Tiệc
cưới, áo cưới
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị
cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban,
chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa
tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của
hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới
ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc
lấy để thuộc về Nước Trời.
Sống Lời Chúa:
Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất
của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giesu, chúng con chúc tụng lòng nhân từ của Chúa muốn ban ơn cứu rỗi cho tất
cả mọi người. Xin giúp chúng con mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu mời, luôn canh
tân đời sống, mặc lấy Chúa Kitô để thực sự vui hưởng hạnh phúc muôn đời với
Chúa.
Lẽ sống:
Ngài là sự bình an của chúng ta
Năm 1899, cuộc
xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến
tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng
giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần
thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu
gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang
Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội
của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua
trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc,
một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình,
quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành
một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là "Ðức Kitô của dãy núi
Andes". Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh
tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm
thánh giá.
Chính phủ
Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước.
Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến
xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi,
chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng
bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những ngọn núi
này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên
đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô". Trên mặt
khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô
như sau: "Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị
chia rẽ nên một".
Giải thưởng
Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của
Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô
nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc
chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng
thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự
"đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận
thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...
Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn
Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng
cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan
dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an
trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được
đạp đổ trong chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét