Thánh Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ
Thánh
nhân sinh năm 1090 gần Đi-giông, nước Pháp. Được giáo dục theo nếp sống đạo đức,
năm 1111, người nhập dòng các đan sĩ Xitô. Ít lâu sau, người được chọn làm viện
phụ. Người đã dùng hoạt động và gương sáng để hướng dẫn các đan sĩ tập luyện
các nhân đức. Vì có sự phân ly trong Hội Thánh, người đã đi khắp châu Âu để lo
vãn hồi sự hòa bình và hiệp nhất. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm thần học và
tu đức. Người qua đời năm 1153.
PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12
"Họ nói mà không làm". (Mt 23,3)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng
: 2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi
trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những
việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì
lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những
hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội
đường, 7 ưa được người ta chào
hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi",
vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em
chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người
lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải
làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai
hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy niệm:
Thái độ giả hình
Tin Mừng hôm nay
không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội,
mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ
giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả
hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế,
nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta
dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn
cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô
chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh
hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được
thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm
tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó
không là một cuộc sống giả hình?
Sống Lời Chúa:
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ
mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).
Chúa Giêsu dạy
cho các môn đệ sống tinh thần phục vụ. Ngài phê phán tính tự mãn, khoe khoang của
giới luật sĩ và biệt phái trong việc phục vụ. Họ mang trong mình sự tương phản
giữa lời nói và hành động bởi họ nói mà không làm. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ
sống tinh thần phục vụ trong sự khiêm nhường : “người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh
em”. Đừng mong tìm lợi cho mình nhưng hãy nghĩ tới ích lợi của tha
nhân; đừng khoe khoang về công việc phục vụ của mình nhưng hãy làm cách kín đáo;
đừng tìm vinh danh bản thân nhưng là làm sáng danh Chúa. Những ai hạ mình phục
vụ như thế sẽ được Thiên Chúa cất nhắc lên cao và tuyên dương.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giesu, Chúa đã nêu gương cho chúng con khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ,
khi hiến trao chính mạng sống mình để cứu chuộc chúng con ngay khi chúng con
còn là tội nhân. Sự phục vụ của Chúa thật đẹp và cao quý biết bao, chúng con
xin hết lòng cảm tạ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con trung thành và quảng đại dấn
bước trên con đường yêu thương phục vụ.
Lẽ sống:
Hai vì sao mỉm cười
Một vị ẩn sĩ nọ
tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống.Từ
trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó
là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn
sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa
lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể
từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa
lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô
bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của
mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước.
Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một
mình.
Họ càng đi, cơn
khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải
quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa
lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã
uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì
sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ
đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt
nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.
Ðể mặc khải cho
chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã
không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi.
Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô.
Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản
đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người
biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: "Không phải những
kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu
câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ".
Qua thái độ và lời
phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng,
cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị
nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ
có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì
sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực
cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản
thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích
thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói như mẹ
Têrêxa Calcutta:
"Khi tôi
chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau
khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của
dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi
ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến
sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác
ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành
động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa
của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét