THÁNH GIOAN MARIA VIANÊ, linh mục. Bổn mạng các Linh mục. Lễ nhớ.
Thánh
nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục
và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle. Người quả là
vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu
nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình
yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử
hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.
PHÚC ÂM: Mt 16, 13-23
"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời". (Mt
16,18-19)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành
Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : "Người ta nói Con Người
là ai ?" 14 Các ông thưa : "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ
thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị
ngôn sứ." 15 Đức Giê-su lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai
?" 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên
Chúa hằng sống." 17 Đức Giê-su nói với ông : "Này anh Si-môn con ông
Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh
điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là
Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và
quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời :
dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất,
anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." 20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được
nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho
các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các
kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ
sống lại. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người :
"Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !" 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô :
"Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Suy niệm:
Vác thập
giá theo Chúa Giesu
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của
Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến
bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự
nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô
tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm
chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống
Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người
Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng
ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự
chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang
tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà
là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng
ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập
giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu.
Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc
tử nạn của Chúa Kitô".
Sống Lời Chúa:
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn
hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ
một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn
và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng
ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống
trong chúng ta. Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa
những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an
vui.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa cho chúng con hiểu giá trị cao
quí của sự sống đời sau. Chúng con dù có được cả thế giới này: Giàu sang, danh
vọng, hạnh phúc thì cũng không đổi được sự sống vĩnh cửu. Xin giúp chúng con biết
từ bỏ, biết chấp nhận mất mạng sống mình ở đời này để nắm chắc hạnh phúc đời
sau.
Lẽ sống:
Sức mạnh của Thiên Chúa
Ðược biết đến và
được yêu mến như cha sở họ Ars, cha Gioan Maria Vianney, vị thánh được giáo hội
mừng kính hôm nay, là một trong những người làm chứng về lời thánh Phaolô đã
nói: "Thiên
Chúa đã chọn những người không ra gì, để làm rối loạn những người mạnh mẽ".
Năm 1815, thầy
Gioan được truyền chức linh mục.
Sau ba năm tập sự
dưới sự hướng dẫn của cha Balley, cha Gioan được chỉ định đến xứ Ars. Trên đường
đi nhận họ đạo, khi đi đến khúc đường chật hẹp, cỏ mọc ngụp đầu người, giữa lúc
không còn biết hướng đi, cha Gioan đã dừng lại hỏi cậu bé mười tuổi tên Anton đang
chăn cừu gần đấy. Cậu bé lịch sự chỉ lối cho cha.
Ngày nay tại nơi
đây, dân làng Ars đã dựng một tượng đài để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, gồm có tượng
đồng diễn tả thánh Gioan Vianney đang đứng trò chuyện với cậu Anton, một tay
ngài đặt lên vai cậu, một tay chỉ lên trời. Dưới chân tượng, người ta ghi câu
cám ơn của thánh nhân: "Cám ơn con đã chỉ cho cha đường đi tới Ars. Rồi đây,
cha sẽ chỉ cho con đường về Thiên Ðàng".
Thực ra, cha
Gioan đã không những giữ lời mình đã hứa chỉ đường cho một mình em Anton về quê
Trời mà thôi, nhưng cho cả giáo xứ Ars và trăm ngàn người khác từ khắp nơi kéo đến
hành hương, để được xưng tội và được hướng dẫn trở về đường ngay nẻo chính.
Ý thức bổn phận
của linh mục là dấn thân phục vụ cho đàn chiên, cha Gioan đã hoạch định cho
mình một chương trình sống, một chương trình chúng ta có thể gói gém vào ba hoạt
động chính sau đây: Nếp sống khắc khổ hy sinh, tôn sùng Phép Thánh Thể và thi
hành việc mục vụ qua lời giảng dạy cũng như trong tòa Giải Tội.
Ðể thi hành việc
mục vụ, cha Gioan đã cho tha nhân thời giờ của mình: Mỗi ngày cha chỉ dùng 2 hay 3 giờ để nghỉ ngơi
lấy sức. Giờ còn lại cha dùng để cầu nguyện và giải tội. Quỳ lâu trong nhà thờ vào lúc canh khuya,
cha Gioan duyệt lại trước Thánh Thể hoàn cảnh của tất cả 230 tín hữu trong họ đạo
Ars, từng người một, từng nhu cầu của mỗi người. Ngoài ra, mỗi
ngày vào mùa đông lạnh lẽo, cha Gioan giải tội trung bình khoảng 11 hay 12 tiếng
đồng hồ. Vào mùa hè, có khi ngài sử dụng đến 16 giờ để giao hòa các hối nhân lại
với Thiên Chúa. Cha Gioan thường gọi những giờ giải tội
lâu dài này là "Giờ của Thiên Chúa". Trong suốt 41 năm
mục vụ, cha Gioan có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những
khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ,
cha mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm
của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Qua đó, tòa giải tội trở nên
như một giếng nước trong lành, nơi giáo dân đến múc lấy Tình Thương Yêu của
Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét