Phúc Âm : Lc 13, 22-30
"Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi
biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được." (Lc 13,24)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
22 Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng
mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. 23 Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy,
phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ
rằng: 24
"Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều
người sẽ tìm vào mà không vào được. 25 Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì
lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho
chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu
tới'. 26
Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã
giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. 27 Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta
không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra
khỏi mặt ta'. 28 Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac,
Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra
ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. 29 Và người ta sẽ từ đông
chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. 30 Phải, có những người
sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Suy
niệm:
Tìm tôn giáo dễ
dãi
Con
người ngày nay thích dễ dãi và luôn chiều theo tính xác thịt của mình. Nhất là
sự dễ dãi trong luân thường đạo lý, nam nữ quan hệ bừa bãi chẳng cần tình yêu,
đôi khi còn công khai trước đám đông. Không chỉ trai chưa vợ, gái chưa chồng mà
hiện tượng chồng nọ vợ kia cũng bùng phát ngay cả trong những xứ đạo lâu năm!
Người ta nhân danh tình yêu để rồi cố tình bỏ qua luân thường đạo lý. Người ta
cũng đi tìm một tôn giáo dễ dãi luôn chiều theo họ, luôn ủng hộ họ. Và một khi
họ thấy tôn giáo quá khắc khe là họ sẵn sàng bỏ đạo để sống theo ý thích của
mình.
Theo
tạp chí Newsweek cho biết: “Hàng giáo phẩm hôm nay cũng đang phải cạnh tranh
trong một thế giới có nhiều sự lựa chọn, nếu không thích nghi sẽ làm cho các
tín hữu rời khỏi Giáo Hội”.
Vì
thế, nhiều giáo hội chấp nhận điều mà tạp chí Chicago Sun-Times gọi là “thông
điệp dễ nghe, trục lợi, thậm chí vị kỷ... của Ki-tô giáo [và] bỏ qua Phúc âm”.
Điều
này dẫn đến một loại tư tưởng trong tôn giáo mà người ta định nghĩa về Thiên
Chúa theo ý riêng của họ, như luôn quảng bá “đạo nào cũng là đạo” để xem nhẹ
Thiên Chúa và đồng hóa Ngài với thụ tạo. Giáo hội không còn chú tâm vào Thiên
Chúa và những điều Ngài đòi hỏi con người, mà lấy con người làm trung tâm để
đưa tôn giáo thích ứng với nhu cầu con người. Có thời người ta đề cao mục đích
để ủng hộ mọi phương tiện như “có quyền lấy của người giầu để cho người nghèo”.
Mục
tiêu duy nhất của họ là đáp ứng nhu cầu của con người, bất chấp thỏa hiệp với
thế gian và xa rời giáo lý của Thiên Chúa. Kết quả là tôn giáo của họ thành ra
trống rỗng, không có giáo lý.
Những
điều này khiến chúng ta nhớ tới lời của thánh Phaolo tông đồ đã viết: “Thật vậy,
sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục
vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ
ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.”.
2Tm 4: 3,4.
Xem
ra những lời này đang ứng nghiệm trong thời đại hôm nay. Một thời đại con người
tìm kiếm sự dễ dãi để bỏ qua hy sinh khổ chế, bỏ qua những tập tục truyền thống
để sống theo tính xác thịt của mình. Con người ngày nay “có thể theo bất kỳ tôn
giáo nào, nếu không bị bắt phải làm theo tiêu chuẩn đạo đức, tức họ cần một tôn
giáo an ủi nhưng không đoán xét”.
Ky-tô
giáo vẫn được xem là cổ hũ khi không thích nghi với lối sống thoải mái của con
người ngày nay. Khi Giáo hội vẫn đòi hôn nhân bất khả phân ly, vẫn đòi hỏi một
vợ một chồng, không chấp nhận đồng tính và nghiêm cấm phá thai . . .
Giáo
hội luôn bắt con người đi theo luật Chúa để sống công bằng với mọi người và có
trách nhiệm với bản thân và xã hội. Nếu một xã hội đề cao tính cá nhân thì sẽ
không còn tôn trọng người khác đôi khi vì quyền lợi , thú vui cá nhân mà làm những
chuyện hại đời hại người. . .
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào con đường hẹp. Con đường của hy sinh
vì phải bỏ lại những thú vui mau qua, những đam mê tội lỗi để sống đúng với phẩm
giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Con đường ấy mới dẫn ta tới chân trời hạnh
phúc đời này và đời sau.
Người
ta vẫn nói: “không có sự thành công nào xây dựng trên sự dễ dãi”, thế nên muốn
đạt được Nước trời cũng phải đi vào con đường hy sinh để tránh xa những mời mọc
dễ dãi trong hưởng thụ, trong đam mê xác thịt.
Xin cho mỗi người chúng
ta biết sống đời này cho nghiêm túc để đời sau được hạnh phúc muôn đời. Hãy vì
sự sống vĩnh cửu mà can đảm từ bỏ những lối đường tội lỗi hôm nay.
Nguyện xin Chúa là Đường
là Sự Thật và là Sự Sống dẫn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Amen
Lm.Jos Tạ duy
Tuyền
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá
mình”mà theo Chúa.
Lẽ sống:
Kẻ thù trong mơ
Ðời
Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một
người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại
nhổ vào mặt mà đi... Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không
tài nào ngủ lại được.
Sáng
hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ
đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai
làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ
được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất".
Kể
từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để
rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy
được kẻ thù.
Ðã
tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù,
ông ta trở về nhà uất người lên và chết.
Nhà
diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là
kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy
kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng
không là một minh họa cho câu nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp
nhất của chính mình, bởi vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt
chính mình.
Chúa
Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó
và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất.
Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối
và tiêu diệt nhau.
Chúa
Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ
có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa
Giêsu đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng
ta: "Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi". Nếu con người là kẻ thù
khủng khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt
nó ngay chính trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng
ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ
tha thứ và làm ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta
tự giam hãm trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét