PHÚC ÂM: Mt 18, 1-5. 10. 12-14
"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ
bé mọn này" (Mt 18,10)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy,
ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?" 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo : "Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà
nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người
lớn nhất Nước Trời
5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp
đón chính Thầy.
10 "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một
ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên
thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời.
12 "Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con
chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi
tìm con chiên lạc sao ? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy
vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên
trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Suy niệm:
Trở
nên trẻ nhỏ
Chúa Giêsu muốn
các môn đệ trong cộng đoàn mà Ngài thiết lập phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn
sơ, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả.
Những đức tính tốt
của tuổi thơ sẽ giúp cho các thành phần trong cộng đoàn chấp nhận và phục vụ
nhau, không kỳ thị phân biệt. Cộng đoàn những con người cụ thể dĩ nhiên có những
khuyết điểm, những bất toàn, tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không
muốn môn đệ Ngài có thái độ sống kỳ thị tách biệt khỏi những người khác, nhất
là những người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, Ngài
mạc khải thái độ nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi,
đến nỗi đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và vui mừng khi tìm được
nó. Chúa Giêsu mời
gọi con người ăn năn sám hối trở về với sự thật, với tình thương và với người
anh em.
Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa
hôm nay mời gọi chúng ta cũng mặc lấy tâm tình của trẻ thơ như Đức Giêsu mong
muốn. Biết chấp nhận thân phận yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết sống trong sự
khiêm tốn, phó thác.
Được như thế,
nhân loại này sẽ không còn chiến tranh, hận thù. Các gia đình sẽ ấm êm hạnh
phúc vì mọi người biết sống cho nhau và vì nhau.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa tha thiết, luôn sống trong tâm
tình phó thác, và sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em để được hạnh phúc Nước
Trời làm gia nghiệp.
Lẽ sống:
Xin hãy dùng con như khí cụ bình an!
Ngày 09/8 hàng
năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại
Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng 11 giờ 03
phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh
lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang
để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày 09/8/1945,
quả bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như
trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống
trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần 140,000 người.
Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng
của phóng xạ.
Lên tiếng trong
một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như
sau: "Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố
Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại.
Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân". Bài
diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên
thủ quốc gia trên thế giới.
Cũng trong bài
diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào
bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình
giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân...
Ðoạn trường ai
có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách
riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự
tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời kêu gọi trên
đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị
nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng
phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là
vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng
người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.
Nhưng hòa bình
không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên
Chúa mới có thể trao tặng cho con người... Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu
nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên
được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con
người. Con người cần phải cầu nguyện cho hòa
bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên
Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân,
cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong
tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét