PHÚC ÂM: Ga 16,20-23b
“Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại
anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.” (Ga 16,22)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an
20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ
khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi
buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến
giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được
chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn,
nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em,
không ai lấy mất được. 23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy
bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em
nhân danh Thầy.
Suy niệm:
Tình yêu
và đau khổ
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào
những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới
tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh; chỉ trong đức tin đau khổ mới mang ý
nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu. Kitô giáo không phải là một
tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui
lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới
mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh
cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình: chỉ có
tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý
nghĩa cho cuộc sống.
Sống Lời Chúa:
Niềm vui của các
môn đệ đến từ Chúa, do Chúa ban cho, chứ không do những nguyên do nào khác. Nền
tảng của niềm vui trong cuộc đời của các môn đệ là sự hiện diện của Chúa Giêsu
Kitô Phục Sinh trong chính cuộc đời họ. Chúa Phục Sinh đến với các môn đệ phục
hồi niềm tin đã bị lung lay chao đảo. Chúng ta cần làm sao để Chúa Phục Sinh có
thể đến và hiện diện luôn mãi trong cuộc đời.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin đến ngự trong con, ban tràn đầy Thánh Thần tình yêu giữa Cha
Con, kết chặt con vào Chúa để con được sống an vui mãi mãi, dù giữa những khó
khăn thử thách. Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con luôn.
Lẽ sống:
Khác biệt giữa ngày và đêm
Một vị đạo sĩ Ấn
Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: "Làm thế nào để biết được đêm đã
tàn và ngày bắt đầu?"
Một người đệ tử
trả lời như sau: "Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể
nói: đó là con bò hay con ngựa".
Câu trả lời trên
đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào...
Người đệ tử thứ
hai mới lên tiếng nói: "Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa và ta có thể
nói nó là cây xoài hay cây mít".
Vị đạo sĩ cũng lắc
đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn
nói như sau: "Khi
ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong
người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được
như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay
đổi".
Ngày 25 tháng
12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu
Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.
Nhân loại đã
chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và
chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy
và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.
Quả thực, chỉ
trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u
của khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là
ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được
chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn
thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của
người đó.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấya
niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đso như của chính
mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn
sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn
nhìn mặt ta.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa
là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa
là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được
sống xứng với ơn gọi làm người hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét