PHÚC ÂM: Mc 12,1-12
“Ông sẽ tiêu diệt tá điền rồi giao vườn nho cho người khác.” (Mc
12,9)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co
1 Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng : "Có
người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho
và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền
để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và
hạ nhục. 5 Ông sai một người khác
nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh,
người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người
nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ;
ông nói : "Chúng sẽ nể con ta." 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta
giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn
nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu
diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ?
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công
trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !
12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân
chúng ; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ
để Người lại đó mà đi.
Suy niệm:
Ðá tảng
góc tường
Tin Mừng hôm nay
nói về vườn nho của Chúa được trao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những
hoa trái mới. Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng
những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của
mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết
lập và trao cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh
đạo Do thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và
không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy
chương trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất
công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết
trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực
hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là
kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền
muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ
thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự
do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc
tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa
liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục
Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là
Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người
phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. "Tôi sống nhưng
không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", đó
là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết
duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta
hãy sống yêu thương nhau. Khi sống yêu thương, chúng ta đã hành động như chính
Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể biến thù thành bạn;
cũng chỉ có tình yêu, chúng ta mới giúp nhau nên thánh ngang qua những yếu đuối,
vụng về của thân phận con người. Hãy nhớ lời thánh vịnh 118 mà hôm nay Đức
Giêsu đã lặp lại: "Tảng đá thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường".
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khơi lên ngọn lửa yêu mến nơi
tâm hồn chúng con, để chúng con cùng nhau xây dựng tình thương, công bình và
chân lý trong cuộc sống của mình.
Lẽ sống:
Một chỗ khủng khiếp
Câu chuyện xảy
ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một
kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng
khiếp" như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi
kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi
trả lời, cô ta nói tiếp: "Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự
hỏi: "Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong
tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...".
Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng
reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống lại thật".
Quá sức sửng sốt,
các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận
dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi
nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được
mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ
túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau,
cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần
lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh
thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau
khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào:
"Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam.
Những cái khác không quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười
và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược dịp tuyên
xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu
gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng
ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết
và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến".
Tuyên xưng việc
Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau
khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và
chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng
những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy
cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của
Chúa Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét