PHÚC ÂM: Ga 16,23b-28
“Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì
Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” (Ga 16,23b)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an
23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì
nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ
ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin
đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.
25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy
với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng
Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26
Ngày ấy, anh em sẽ nhân
danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho
anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu
mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế
gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."
Suy niệm:
Ân sủng
và sự thật
Trong tuần lễ
qua, suy niệm Phúc Âm chương 16 theo thánh Gioan, chúng ta đã chiêm ngắm về
khía cạnh thiết yếu của đời sống Kitô, và một trong những khía cạnh quan trọng
đó là cuộc đời của người đồ đệ cần được liên kết sâu xa với mầu nhiệm vượt qua
của Chúa, để nếm hưởng niềm vui và làm ích cho anh chị em. Không có con đường
nào khác để biến cuộc đời chúng ta trở nên nguồn phúc lợi cho anh chị em ngoại
trừ con đường ra đi như Chúa. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng và Ngài loan báo
trước cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi không phải để đi mất mà là để hiện
diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng
Chúa Cha”.
Từ nay công việc
quản lý trần gian này để gây phúc lộc cho anh chị em trở thành công việc của
chúng ta, cùng với sức mạnh của Chúa, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng thay
thế cho Chúa Giêsu để nâng đỡ, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Và một trong những
phương thế để giữ liên lạc, để có sức mạnh của Chúa đủ để trung thành cho đến
cùng trong sự dấn thân hàng ngày của chúng ta cho Chúa và cho anh chị em, là cầu
nguyện. Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu. Cầu nguyện trong sự kết hiệp mật thiết
với Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu cùng cầu nguyện với chúng ta thì chúng ta còn phải
lo sợ điều gì nữa. Phải, điều đáng sợ không phải từ phía Thiên Chúa mà là từ
phía chúng ta. Liệu
chúng ta có để cho Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn mình để cùng thưa chuyện với
Thiên Chúa hay không mà thôi.
Sống Lời Chúa:
Ngay cả lúc Đức Giêsu tỏ bày cho chúng ta biết
Người ra đi có lợi cho chúng ta, chúng ta cần cảm thấy một sức nặng vắng mặt đè
nặng trên chúng ta. Đức Giêsu sẽ không bao giờ có mặt như khi Người sống bằng xương
bằng thịt nữa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con được ghi nhớ mãi lời căn dặn của Chúa, đó là
“Thiên Chúa Cha yêu thương các con”. Xin Chúa giúp chúng con sống mãi trong
tình thương Chúa và múc lấy sức mạnh để từ đó mà phục vụ anh chị em trong mọi
hoàn cảnh.
Lẽ sống:
Truyền Giáo
Một buổi tối nọ,
viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia
đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu
chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì
cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm
được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"
Câu hỏi ấy như một
luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào
đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa
chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy
một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc
ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được
nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau,
anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến
Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa
lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng
than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de
Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện
một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong
thất vọng sao?
Nghĩ thế, anh
bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người
cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối
cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống
với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu
cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang
cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống
của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất
cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho
Chúa.
Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương
để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những
nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như
Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như
các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với
những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu
sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam
đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình...
vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét