PHÚC ÂM: Mc 9,30-37
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và
ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9,31)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi
băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng :
"Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày
sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ
không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành
Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : "Dọc đường, anh em
đã bàn tán điều gì vậy ?" 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là
người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói :
"Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục
vụ mọi người." 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và
nói : 37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là
tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy,
nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
Suy niệm:
Tôi tớ
các tôi tớ
Hôm nay, Đức
Giêsu cũng mời gọi người môn đệ của mình phải có và giữ được đức khiêm tốn khi
nói: “Ai muốn làm
đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.
Muốn làm lớn và
trở thành người lãnh đạo là cái mộng của con người mọi thời không từ ai. Chính
các môn đệ là những người được ở gần Đức Giêsu, nghe và chứng kiến những việc
Ngài làm, tất cả toát lên sự khiêm nhường tột cùng. Tuy nhiên, các ông vẫn
không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quyền lực đầy hấp dẫn đang mời gọi các
ông qua con người có tên là Giêsu. Đấng mà các ông vẫn đang hy vọng được hưởng đặc
quyền đặc lợi khi Ngài đứng lên lật đổ chế độ và thiết lập một vương quốc theo
kiểu trần thế.
Vì thế, khi vừa
nghe Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, liền sau đó, các ông đã chăm
chú vào chuyện bàn tán xem ai là người lớn nhất?
Lẽ ra, khi nghe
thấy thầy của mình loan báo về cái chết sắp xảy đến, các ông phải là người an ủi,
động viên, chia sẻ..., Không! đằng này sự vụ lợi, thực dụng và ích kỷ đã làm
cho họ mờ mắt và vơi cạn đi sự cảm thông, các ông chỉ còn nghĩ đến mình mà
thôi.
Nhân cơ hội này,
Đức Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ của các môn đệ khi nói: người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác; muốn
làm được điều đó, phải có tâm hồn trẻ thơ.
Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức
Giêsu dạy các môn đệ và cũng là chính mỗi người chúng ta một bài học về sự
khiêm nhường và phục vụ. Người lãnh đạo thì phải phục vụ dân, không được lạm
quyền, mỵ dân và a dua, nịnh hót, mà làm những việc bất nhất trái lương tâm.
Cha mẹ thì phải yêu thương chăm sóc con cái. Con cái phải kính trọng cha mẹ, nhất
là khi các ngài lớn tuổi.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con
nên giống trái tim Chúa.
Lẽ sống:
Ði một đoạn đường với Chúa
Người Ấn Ðộ có kể
một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn
thấy Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ chỉ mong sao cho ước nguyện của
mình thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới
hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với
anh: "Con có thể đi với Ta một quãng đường không?". Người thanh niên
cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi
bạn tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: "Ta khát nước, con có
thể đi tìm cho Ta một ít nước không?".
Người thanh niên
hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm
nước để mang về cho Chúa... Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước...
Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước
mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp
đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn
nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa.
Anh nấn ná đến
làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không
gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên
đưa vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình
lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám
vào được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng
như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.
Giữa lúc đó,
Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: "Này con, con có mang nước về cho Ta
không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ".
Một người cha
nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động nhất về
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn "Người
Con Hoang Ðàng". Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi. Khi đứa con
còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn đứa con
vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình... Thiên Chúa cũng
đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với
chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm
chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến với Chúa, nhưng kỳ
thực chính Ngài đang ở với chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét