MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ (Lễ Sancti) – Lễ trọng
Phúc Âm : Lc 9,11b-17
Chúa Giê-su cầm lấy năm
cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao
cho các môn đệ… (Lc 9,16)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
11 Đám
đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về
Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn.
Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng : "Xin Thầy cho đám đông
về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì
nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." 13 Đức Giê-su bảo : "Chính anh em hãy
cho họ ăn." Các ông đáp : "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và
hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân
này." 14 Quả thật có tới chừng
năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ : "Anh em hãy bảo họ ngồi
thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." 15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi
người ngồi xuống. 16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy
năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và
trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.
Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
Suy
niệm:
"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày"
"Hãy làm việc này mà nhớ đến
Thày", đây là lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ. "Việc này" mà
Chúa nói tới, chính là nghĩa cử hy sinh, dâng hiến và sống vì người khác.
Lương
thực là một thách đố lớn đối với xã hội hôm nay, tạo nên một khoảng cách lớn
phân chia giữa các nước giàu và các nước nghèo. Trong khi một số quốc gia giàu
có phung phí lương thực và đồ dùng, thì tại các nước nghèo trên thế giới, người
dân vẫn đói khát, thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày.
Ngay trong thời hiện tại, cơn đói bánh ăn vẫn là một trong những nguy cơ bùng nổ
chiến tranh và tạo ra những làn sóng di dân, kéo theo rất nhiều hệ luỵ nghiêm
trọng trong các lãnh vực chính trị, văn hoá, nhất là an ninh xã hội.
Bánh
ăn cũng là cơn cám dỗ đầu tiên, ma quỷ đã thử thách Chúa vào lúc Chúa ăn chay
trong sa mạc: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy làm cho đá này trở nên
bánh". Chúa Giêsu khước từ lời đề nghị của tên cám dỗ. Người không làm phép
lạ chỉ vì một lời thách thức hay chỉ vì thoả chí tò mò của con người. Tuy vậy, các tác giả Phúc âm kể lại, Chúa đã
hai lần làm cho bánh hoá ra nhiều. Hai lần ấy được thuật lại trong Phụng vụ Lời
Chúa hôm nay:
-
Việc thứ nhất: Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, từ năm cái bánh và hai
con cá, Chúa nuôi dưỡng khoảng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con
trẻ (Bài Tin Mừng). Những người được ăn bánh là người theo Chúa để nghe Người
giảng dạy. Họ bỏ nhà cửa, công việc để lắng nghe Lời hằng sống. Cùng với Lời hằng
sống, Chúa đã cho họ bánh ăn để nuôi dưỡng họ về thể xác.
-
Việc thứ hai: trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh
Thể. Qua Bí tích này, Chúa muốn hiện diện nơi hình Bánh và hình Rượu để ở với
con người, trở nên của ăn của uống cho con người mọi nơi mọi thời. Chúa hiến
mình vì chúng ta, để tha thứ và cứu rỗi chúng ta. Những người được ăn bánh này
không chỉ là các tông đồ đang hiện diện trong bữa tiệc ly, mà tất cả những ai
thành tâm đón nhận và tin vào Chúa đều được nuôi dưỡng bởi lương thực thần linh
này. Nhờ được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa, người Kitô hữu có sức sống thần
thiêng của Thiên Chúa. Họ được thần linh hóa, để rồi tuy còn sống ở trần gian,
họ được nếm hưởng lương thực của các thiên thần và một phần nào đó tham dự vào
hạnh phúc thiên đàng.
Lễ
kính Mình và Máu Thánh Đức Kitô nhắc chúng ta về tình thương bao la của Thiên
Chúa. Lễ này mang một cách đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thánh Thể
chính là bảo chứng hùng hồn mãnh liệt về lòng thương xót của Chúa. Như người mẹ
luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì con mình, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì
phần rỗi chúng ta. Người mẹ nào cũng muốn hiện diện bên con, để an ủi vỗ về
trong những lúc vui buồn của cuộc sống, Chúa Giêsu hiện diện để đồng hành với
chúng ta trong mọi giây phút của cuộc đời.
"Hãy
làm việc này mà nhớ đến Thày", đây là lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ.
"Việc này" mà Chúa nói tới, chính là nghĩa cử hy sinh, dâng hiến và sống
vì người khác. Người muốn các ông thực hiện điều Người đã làm, để tấm Bánh
Thánh Thể trở nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng toàn thể nhân loại. Việc
trao bánh cho các tông đồ là nghĩa cử của sự sẻ chia bác ái. Chúa cũng muốn cho
chúng ta, những Kitô hữu, biết chia sẻ với người nghèo về tinh thần cũng như vật
chất, để lấp đầy và xóa bỏ khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Thiên
Chúa tạo dựng vũ trụ này có khả năng nuôi sống mọi người trên trái đất. Nếu còn
tồn tại những bất bình đẳng, nếu còn những khác biệt giữa người giàu và người
nghèo, là vì còn nhiều người giàu ích kỷ và còn tồn tại những hệ thống hành
chính thiếu công bằng trong việc phân phối của cải cho người dân. Nếu con người
ngưng đầu tư cho chiến tranh và thực thi đức công bằng, quan tâm đến tha nhân,
thì cơn thách đố về lương thực sẽ được giải quyết và người nghèo sẽ bớt đói khổ.
Bí tích Thánh Thể vừa
là lời tôn vinh tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại, vừa là lời mời gọi chia sẻ để con người sống
trong huynh đệ công bằng và hạnh phúc. Nếu Chúa đã hiến mình vì ta, thì Người
đang mời gọi chúng ta hãy "làm việc này mà nhớ đến Thày", tức là hãy
hiến thân vì anh chị em, để đem cho họ tình thương và hạnh phúc.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết siêng năng rước mình Thánh Chúa mỗi
ngày để làm của ăn lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con, và
xin cho con trở nên tấm bánh cho những người anh chị em đang sống bên cạnh con.
Chỉ có Ngài là sự sống đích thực cho con.
Lẽ sống:
Ðỉnh Cao
Ðỉnh
Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những
người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một
giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh
năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và
rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên
những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ
nhất đề "Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên". Và
bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu "Ông ta
chết trong lúc đang leo".
Nếu đời sống là một cuộc
tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng
không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là
thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: "ngày
hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai".
Bí quyết thành công thứ
hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi
gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất
là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét