CHÚA BA NGÔI – Lễ trọng
Phúc Âm : Ga 16,12-15
“Mọi sự Chúa Cha có đều là
của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người (Thần Khí) lấy những gì là của Thầy mà
loan báo cho anh em.” (Ga 16,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em.
Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn
anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả
những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều
sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan
báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói :
Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
Suy
niệm:
Dòng sông yêu thương
Hình ảnh dòng sông là một
trong nhiều hình ảnh được dùng để suy tư về Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh này diễn đạt
ân sủng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy đời sống nội tâm của
người tín hữu trong Chúa Ba Ngôi là điều cần thiết như thế nào.
Nói
đến Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ ngay đến một đề tài cao siêu, khó hiểu.
Đối với nhiều người tín hữu, xem ra Chúa Ba Ngôi không có liên quan gì nhiều đến
đời sống của họ. Thực ra, màu nhiệm Chúa Ba Ngôi tuy vượt trí khôn của con người,
nhưng có mối liên hệ mật thiết với đời sống người Kitô hữu. Trọn vẹn đời sống của
người tin Chúa được bao bọc trong mầu nhiệm này. Nói cách khác, Chúa Ba Ngôi là
nguồn mạch và là đích điểm của cuộc đời chúng ta, có nghĩa nhờ Chúa Ba Ngôi mà
chúng ta tồn tại hiện hữu, và rồi lý tưởng mà chúng ta đang cố gắng đạt tới là
hạnh phúc thiên đàng cũng là Chúa Ba Ngôi. Bởi lẽ, hạnh phúc thiên đàng là được
sống trong Chúa Ba Ngôi, nơi có hạnh phúc viên mãn tràn trề.
Nói
đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta đề cập tới một lãnh vực thuần thúy trừu tượng
thiêng liêng. Để có thể hiểu được, chúng ta phải dùng phương pháp "loại
suy", tức là so sánh với những thực tại trong cuộc sống hữu hình. Hình ảnh
dòng sông là một trong nhiều hình ảnh được dùng để suy tư về Chúa Ba Ngôi. Hình
ảnh này diễn đạt ân sủng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy đời
sống nội tâm của người tín hữu trong Chúa Ba Ngôi là điều cần thiết như thế
nào.
Con
sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được
tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và
mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước
nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao? Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng
sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng
của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng
ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ
không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng
sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng
vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân
sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tác
giả sách Châm ngôn (Bài đọc I) diễn tả với chúng ta về Đức Khôn ngoan. Giáo huấn
Kitô giáo nhận ra nơi Đức Khôn ngoan được loan báo trong Cựu ước là chính Đức
Giêsu Kitô thành Nagiarét. Người là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, hiện hữu từ
ngàn đời và cùng với Chúa Cha sáng tạo vũ trụ này. Qua màu nhiệm Nhập thể, Đức
Khôn ngoan của Thiên Chúa đã làm người để chung chia thân phận con người với
chúng ta. Người đang cùng Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của dòng sông yêu
thương, làm cho tình yêu tuôn chảy vào lòng thế giới, giúp cho những ai thành
tâm thiện chí kiếm tìm chân lý, được hưởng muôn phúc lành do dòng sông ấy mang
lại. Cùng cộng tác với Chúa Cha và Chúa Con, có Chúa Thánh Thần là tình yêu, được
"tuôn đổ vào lòng chúng ta" (Bài đọc II). Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng
ta được ơn soi sáng để đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời qua Chúa
Giêsu để đến với Chúa Cha, là nguồn gốc của muôn vật muôn loài. Chúa Thánh Thần
chính là quà tặng, là ân ban của Đức Giêsu, như lời Người hứa với các tông đồ
trong giờ phút ly biệt. "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em
tới sự thật toàn vẹn" (Bài Tin Mừng). Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ thời
xa xưa và chúng ta hôm nay có thể sống theo sự thật. Chúng ta vừa mừng lễ Hiện
Xuống để suy tư về hoạt động của Ngôi Ba Thiên Chúa trong vũ trụ và trong đời sống
con người.
Như
vậy, cả ba bài đọc của Phụng vụ hôm nay đều diễn tả hoạt động của Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong đời sống cá nhân của người tín hữu. Sống
trong Chúa Ba Ngôi là được dìm mình trong dòng sông ân sủng, dòng sông yêu
thương. Cũng như dòng sông mang lại sức sống và sự phì nhiêu, sự liên kết mật
thiết với Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta càng ngày càng tăng trưởng trong Đức Tin,
Đức Cậy, Đức Mến.
"Nhân
danh Cha, và Con, và Thánh Thần", mỗi khi làm dấu Thánh giá, chúng ta
tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh giá không phải là một phù phép bùa
chú hay một việc làm chiếu lệ vô ý thức, nhưng đó là lời cầu nguyện tôn vinh
Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời là một lời tâm nguyện nói lên ước muốn của chúng
ta được sống trong tình yêu viên mãn của Thiên Chúa.
Thánh
Phaolô khuyên chúng ta, nhờ sống trong Chúa Ba Ngôi mà chúng ta có sức mạnh để chịu
đựng những gian nan thử thách. Không chỉ chịu đựng, mà chúng ta còn tự hào khi
gặp cảnh gian truân (Bài đọc II). Đó là trường hợp các tông đồ và các thánh tử
đạo. Các ngài đã can đảm trước bạo lực và cường quyền, và tràn đầy niềm vui khi
chịu đau khổ. Được như vậy, là nhờ các ngài luôn xác tín vào tình yêu của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
được sống trong dòng sông ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ vậy, đời sống
chúng ta sẽ luôn tìm thấy an bình. Sống trong dòng sông này, chúng ta sẽ
"như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui" (Tv
131,2).
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuyên xưng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
mọi nơi và mọi lúc. Mỗi khi làm dấu thánh giá trên thân xác, xin cho chúng con
ý thức và nhận biết tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng
con. Chúng con tôn thờ, ca ngợi và cảm tạ hồng ân Chúa đến muôn muôn ngàn đời.
Lẽ sống:
Thiên
Chúa tạo dựng con người
Người
Ấn Ðộ thường kể câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau: Một hôm
Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người, nghĩa là làm một tạo vật đẹp nhất giữa
các tạo vật. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên thần đã
tỏ ra không mấy hồ hởi, một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp nhận được
một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy. Làm sao tưởng tượng được một thụ tạo vừa thuộc
về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh. Làm sao có được một hữu thể
vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu? Làm sao chấp nhận được
giữa vật chất và tinh thần?
Các
Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể tạo dựng được một
tạo vật như thế. Các vị e ngại rằng ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn
ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
Ðể
ngăn chặn Thiên Chúa trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy
ban. Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ
trình lên Chúa gồm những điểm như sau: tinh thần không thể kết hợp với vật chất,
bản tính thiên thần không thể kết hợp với bản tính thú vật, cái có cùng không
thể hòa hợp với cái không cùng, cái chóng qua đi không thể đi đôi với điều vĩnh
hằng, do đó yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định điên rồ của Ngài.
Sau
khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau: "Tất cả những
góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là một vấn
đề triết học". Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi: "Vậy thì vấn đề đó
là gì?". Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi đáp: "Con người
là vấn đề của Niềm Tin". Ngài thinh lặng, rồi phán quyết: "Con người
là vấn đề của Niềm Tin".
Trong một xã hội được
xây dựng trên luật của cá lớn ăn hiếp cá bé, trong một xã hội mà nền tảng đã bị
đục khoét bởi lọc lừa, gian trá, phản bội, đố kỵ, hận thù, con người dễ mất đi
niềm tin nơi con người, bởi vì khi không tin ở người, con người cũng không còn
tin ở chính mình. Một cuộc sống như thế chẳng khác nào một cuộc tự hủy, một cuộc
tự sát tập thể.
Thiên Chúa yêu thương mọi
người. Ngài tiếp tục tin tưởng nơi con người, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin tưởng
nơi con người... Thay vì tự giam hãm trong khép kín, trong đố kỵ, chúng ta hãy
ra khỏi chính mình để đến với người... Ðến với người bằng sự thông cảm tha thứ,
cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn những lừa đảo phản bội. Ðến với người bằng những
san sẻ sớt chia, cho dẫu chúng ta chỉ toàn gặp những bội bạc, vong ân. Ðến với
người bằng tiếng cười rộn rã, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn đắng cay, sầu muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét