Thánh
A-nê, trinh nữ, tử đạo - lễ
nhớ
PHÚC ÂM:
Mc 3,1-6
“Ngày sa-bát, được
cứu mạng người hay giết đi ?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở
đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong
ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay : “Anh đứng dậy, ra
giữa đây !” 4
Rồi Người nói với họ : “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng
người hay giết người ?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ,
buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : “Anh giơ tay ra !” Người ấy
giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với
phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
Suy niệm:
Các kinh sư, luật sĩ, và nhóm Pha-ri-sêu đã
nhiều lần xúc phạm đến cá nhân Chúa Giê-su, nhưng có vẻ như Ngài không quan
tâm. Tuy nhiên, khi họ xúc phạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và thiện
ích của những kẻ bé mọn, thì Ngài thẳng thắn, mạnh mẽ lên án. Thánh sử Mác-cô
không chỉ thuật lại những lời Chúa Giê-su quở trách họ, mà còn diễn tả cả nét mặt
của Ngài: một bộ mặt giận dữ pha lẫn nỗi u buồn, thất vọng, vì họ cứ khư khư nại
vào luật Mô-sê để từ chối việc bác ái lẽ ra cần phải được làm ngay.
Một Thiên Chúa làm người "hiền lành và khiêm nhượng trong
lòng" lắm khi phải bày tỏ sự giận dữ, buồn bực trước sự cứng lòng của con
người, cho thấy Ngài đã phải chịu đựng họ như thế nào, cũng như cái giá mà sự tự
do phải trả vì Thiên Chúa tôn trọng tự do ấy của con người.
Bài tin mừng hôm nay là một minh họa về việc
giữ luật. Những người Pharisêu đã giữ luật theo hình thức và đánh mất mục đích
căn bản của lề luật.
Vì thế họ không chấp nhận việc Chúa Giêsu
chữa bệnh trong ngày Sabbat cho dù đó là một việc làm tốt đẹp.
Việc làm của Chúa Giêsu nhắc nhở cho tôi ý
thức về việc giữ luật và hiểu rõ ý nghĩa của lề luật.
Trong cuộc sống mỗi ngày, trong bổn phận và
trong công việc, nhiều khi tôi cũng chỉ giữ luật theo thói quen và quên đi mục đích
căn bản của lề luật. Ví dụ như: tôi đọc kinh, tôi đi lễ nhưng chỉ làm theo thói
quen và theo lề luật.
Vì thế tôi đọc kinh, tôi đến nhà thờ nhưng tâm hồn tôi đang ở xa Chúa. Khi tôi yêu mến và sống
theo lề luật đúng với ý nghĩa căn bản của lề luật thì tôi mới gần Chúa thực sự.
Sống Lời Chúa:
Đức công bằng, bác ái không cho phép hễ thương
ai thì đánh giá tốt còn không ưa ai thì trù dập cả những giá trị tích cực của
người mình không ưa. Trái lại, bao giờ cũng phải biết trân trọng chân lý.
Vui với người vui, khóc với người khóc. Có
như thế, ta mới thực sự là con một Cha trên trời, Đấng cho "mưa trên người
lành lẫn kẻ dữ."
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giê-su, Chúa đã giận dữ, buồn bực khi thấy con người đối xử xấu với những
kẻ bé mọn. Xin cho con sớm nhận thấy đâu là điều làm Chúa buồn bực với con, để
sửa lại hầu làm vui lòng Chúa, nhất là trong tương quan với người khác.
Lẽ sống:
Chiếc khăn tay vấy mực
Ruskin là một nghệ sĩ, phê bình
nghệ thuật kiêm xã hội học người Anh sống vào cuối thế kỷ 19.
Một hôm, có một người đàn bà quý
phái mang đến cho ông xem một chiếc khăn tay đắt tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt
xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay đã hoàn toàn mất giá trị của nó.
Ruskin không nói gì, ông chỉ xin
cho ông mượn chiếc khăn tay trong một ngày. Ngày hôm sau, ông trao lại chiếc khăn
tay cho người đàn bà mà cũng không nói một lời nào. Nhưng khi trải chiếc khăn
tay ra, người đàn bà hết sức ngạc nhiên, bởi vì từ một vết mực trong góc của
chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Chiếc khăn tay có vấy mực tưởng đã
bị vứt đi, nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời.
Những người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước những
thất bại. Họ luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành công
vĩ đại hơn.
Người có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi ro, đau
khổ trong cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.
Dạo tháng 6 năm 1990, mục sư Anh
giáo Michael Lapsley, người Zimbabwe bên Phi Châu, vì là mục sư Tuyên úy của tổ
chức Quốc đại Châu Phi bao gồm các lực lượng tranh đấu cho quyền lợi của người
da đen Nam Phi, đã bị quân khủng bố đặt chất nổ khiến ông bị cụt hai tay, mù
một mắt và hỏng lỗ tai. Trong một tuyên ngôn công bố sau đó, ông đã viết như
sau: "Họ đã lấy mất đôi tay của tôi. Nhưng tôi không buồn, bởi vì tôi
không dùng đến võ khí để cần phải có đôi tay. Họ đã lấy mất một phần đôi mắt
của tôi và thính giác của tôi, nhưng tôi vẫn còn có thể dâng hiến lời nói để
tiếp tục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ hơn".
Người ta vẫn thường nói: Yêu là
chết trong lòng một ít. Tình yêu đích thực luôn luôn đòi hỏi hy sinh, mất mát. Nhưng
chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhận ra giá trị của những mất mát ấy.
Qua cái chết trên thập giá như
một tiêu hao hoàn toàn, Chúa Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa cho nhân
loại, ánh sáng của Tình Yêu đã chiếu sáng qua sự mất mát ấy. Qua những hao mòn
trong từng ngày của cuộc sống Mẹ Maria, Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được tiếp
tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng
có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ Maria. Ngày nay, tình Yêu của Thiên Chúa
cũng cần có những mất mát, hao mòn khác của người Kitô để được tiếp tục bày tỏ
cho con người, bởi vì sứ mệnh của người Kitô chính là bổ túc cho những gì còn
thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét