Thánh
Xê-bát-ti-a-nô, tử đạo - Thánh Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo
PHÚC ÂM:
Mc 2,23-28
“Ngày sa-bát được
tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng
qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức
Giê-su : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép !” 25 Người
đáp : “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông
và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà
Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai
được phép ăn ngoại trừ tư tế.”
27 Người nói tiếp : “Ngày sa-bát được tạo
ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó,
Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
Suy niệm:
Luật ngày sa-bát là một ngòi nổ thường trực
tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu.
Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến
mức phi nhân và nô lệ hoá con người như thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục vụ cho con
người. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật Giáo Hội.
Là một cơ chế lớn, Giáo Hội cần một bộ giáo
luật khá ‘kềnh càng’; tuy nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc kết ở điều cuối cùng
(đ. 1752) như sau: “lex suprema, salus animarum” (luật tối thượng là phần rỗi
các linh hồn).
Đáng tiếc là trong thực tế, thói nệ luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu
đó, ít hay nhiều, nơi các ‘chủ chăn’ lẫn ‘con chiên’
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sụ quan tâm của
Thiên Chúa cho con người.
Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái khuyên các tín hữu phải
bền lòng trông cậy vào Lời Thiên Chúa đã hứa. Một khi Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ
thi hành. Tác giả đưa ra một ví dụ là Lời Thiên Chúa hứa với Tổ-phụ Abraham. Lời
hứa này đã được thực hiện nơi Đức Kitô, khi Ngài đi tiên phong vào nơi Cực
Thánh để mở đường cho con người đến trực tiếp với Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, các Pha-ri-sêu tố cáo với Chúa Giêsu: các
môn đệ của Ngài đã vi phạm luật của ngày Sabbath. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ
của Ngài có lý do làm như thế để bảo vệ sự sống. Ngài nhắc cho họ biết luật lệ làm ra là vì con
người.
Giữ Lề luật của Thiên Chúa, là để giúp nhau
sống tốt và đi đúng đường dẫn về Trời để gặp lại Ngài là Cha của mình.
Nhưng trong cuộc sống của con người, lại lấy lề luật của Chúa để đánh
giá nhau, hạ nhục nhau, làm khổ cho nhau.
Đối với người Kitô hữu luôn phải tuân giữ lề
luật của Chúa để đem lại những lợi ích cho bản thân và cho tha nhân, nên phải tuân
giữ với cả sự yêu thích và tích cực.
Không những chỉ giữ luật “công bằng” nhưng
Công bằng trong yêu thương, với lòng bác ái; không những không làm thiệt hại người
khác, mà còn phải làm sinh lợi cho họ nữa, không những chỉ chúc bình an cho người
anh em trên môi miệng, mà phải thực tâm mong cho họ được bình an....
Nội dung bài Tin mừng nói đến một ví dụ về
tinh thần bác ái. Trước sự kiện các môn đệ bứt lúa trong ngày sabat, những người
Pharisiêu tỏ ra khó chịu và bắt bẻ các môn đệ. Họ thiếu lòng cảm thông và bác
ái. Ngược lại, với cách cư xử và tinh thần bác ái, Chúa Giêsu đã thông cảm với
các môn đệ.
Sống Lời Chúa:
Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng
trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng ta thoát
khỏi làm nô lệ cho Lề Luật, tội lỗi, và sự chết.
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho
tôi biết đón nhận và đối xử với tha nhân, với các sự kiện bằng tinh thần bác
ái. Khi sống bác ái, không những tốt cho người khác, nhưng còn có ích cho chính
bản thân của tôi.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho con biết đón nhận tha nhân và các sự kiện trong cuộc sống bằng tinh thần
bác ái. Vì đó là điều đẹp ý Chúa.
Lẽ sống:
Chuyện một khu rừng
Một câu chuyện có thật đã được kể
về nguồn gốc của một khu rừng như sau: Một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ
qua đời, đã mang đứa con trai duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất
của Miền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Thật ra, người đàn ông chỉ muốn quên đi
cái quá khứ khó khăn vất vả.
Vùng đất khô cằn nơi ông đặt chân
đến chỉ còn vỏn vẹn năm ngôi làng nhỏ với rất ít dân cư sống trong những căn
nhà siêu vẹo đổ nát, đa số đã bỏ lên những thành phố lớn để tìm công ăn việc
làm. Ông lão trên
60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh xung quanh và đi đến kết luận: nếu không có cây
cối, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang
tàn.
Sau khi đã dọn chỗ cho đàn cừu và
một số gia súc khác, ông lão bắt đầu đi bộ dọc theo các lối đi và nhặt từng hạt
dẻ. Ông chọn những hạt dẻ tốt để riêng và ngâm vào nước. Khi mặt trời vừa lên,
ông dùng một thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và đặt cứ mỗi lỗ một hạt dẻ.
Ngày ngày như thế, trong liên
tiếp 3 năm, ông lão đã trồng được 100 ngàn cây dẻ con. Ông hy vọng rằng ít nhất
10 ngàn cây còn sống sót. Ông cũng hy vọng rằng Chúa sẽ cho ông sống được thêm
vài năm nữa để làm cho xong công tác trồng cây này.
Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ
89 tuổi. Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ bỏ vào, nay nước Pháp đã có
được một trong những khu rừng đẹp nhất thế giới.
Trong ba khóm rừng mỗi khóm
dài 11 cây số, những cây dẻ xanh tươi cao lớn đã có mặt để giữ nước mưa, làm
cho cây cối xung quanh được xanh tươi và biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành
những dòng suối róc rách. Chim chóc đã trở lại. Sự sống cũng chớm nở. Dân chúng
từ từ trở lại các ngôi làng cũ để xây nhà và làm lại cuộc đời.
Sự sống của thiên nhiên thường giúp con người bớt cô đơn. Ðồng ruộng, cây
cỏ xanh tươi, tiếng chim ca hót thường khơi dậy niềm vui sướng trong lòng người.
Ðó là lý do khiến cho những người sống ở thôn dã dễ có tâm hồn thanh thản và
lạc quan vui sống hơn người thành thị.
Lớn lên ở thôn dã, chứng kiến
cảnh gieo trồng của người nông dân, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những
sinh hoạt thôn dã ấy để nói về Nước Trời. Người gieo trồng nào cũng có niềm tin
và sự lạc quan. Gieo
hạt giống vào lòng đất là đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác của mình vào thiên
nhiên. Có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trong bụi
gai. Nhưng kết quả cuối cùng vẫn là vụ mùa tươi tốt. Có những hạt rơi vào đất
tốt, có những hạt rơi bên vệ đường, có những hạt rơi vào bụi gai. Có những kết
quả trông thấy, có những âm thầm đau khổ, có những bách hại dữ dội, nhưng cuối
cùng Giáo Hội của Ðức Kitô vẫn tồn tại và sinh ra được nhiều hoa trái của niềm
Hy Vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét