PHÚC ÂM:
Mc 1,29-39
“Đức Giê-su chữa
nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường
Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê
và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm
trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người
lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người
ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức
Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không
cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã
dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi
tìm kiếm. 37 Khi
gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy
đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì
Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng
trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Suy niệm:
Có ba câu chuyện
được tường thuật trong bài Tin mừng hôm nay.
Câu chuyện thứ
nhất:
sau khi rời hội đường, Đức Giêsu về nhà Phêrô. Lúc ấy, mẹ vợ Phêrô đang gặp phải
cơn sốt. Và Đức Giêsu đã chữa lành cho bà.
Câu chuyện thứ
hai:
quyền năng của Đức Giêsu đã được nhiều người biết đến, nên chiều hôm ấy, tại
nhà Phêrô, đám đông những người đau yếu bệnh tật đã được người nhà đem đến cho Đức
Giêsu. Và Ngài cũng đã chữa lành cho họ.
Câu chuyện thứ
ba:
sáng sớm hôm sau, Đức Giêsu tìm một nơi hoang vắng và cầu nguyện tại đó. Các
môn đệ đi tìm Ngài. Và Ngài lại tiếp tục hành trình với sứ mạng của mình: rao
giảng, trừ quỷ.
Hôm nay, nhiều
cuộc đời như mất hẳn niềm vui bởi những thống khổ về bệnh tật nơi thân xác hay
những nỗi đau nơi tâm hồn.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đau mắt mới biết
thương người mù.” Có là cha mẹ mới biết nỗi khổ của việc cưu mang và dưỡng nuôi
con cái. Có trải qua đau khổ và cám dỗ, một người mới có thể giúp ai trong hoàn
cảnh đó. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn nạn tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể
và trở nên hoàn toàn giống như con người về mọi phương diện, trừ tội lỗi.
Trong Bài Đọc I: Tác giả Thư Do Thái cắt nghĩa lý do tại
sao Chúa Giêsu phải nhập thể, và trở nên giống con người về mọi phương diện trừ
tội lỗi. Mục đích của việc nhập thể là để có thân xác để chịu chết để tiêu diệt
tội lỗi và sự chết cho con người.
Mục đích của việc trở nên giống con người về
mọi phương diện là để đồng cảm và cứu giúp con người cách hiệu quả.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng cảm với số phận con người:
Ngài chữa lành cho mẹ vợ Phêrô và tất cả mọi người trong Thành Capernaum kéo đến
kêu xin. Ngài cũng dạy cho các tông đồ biết thăng bằng giữa các họat động tông đồ
với đời sống cầu nguyện.
Sống Lời Chúa:
Người tông đồ của Chúa Giêsu phải biết cảm
thương với số phận của con người: yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi, trước
khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.
Chúng ta cần trưởng thành trong đời sống để
tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ không
hoàn toàn sống ỷ lại vào người khác.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Trong ngày sống của chúng con, cần gặp Chúa trước khi gặp nhau. Xin
ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con mỗi sáng thức dậy biết dâng
ngày sống của chúng con cho Chúa, để đem lại nhiều ơn ích cho bản thân và những
người chung quanh.
Lẽ sống:
Xuống đường
Thông thường, hai chữ "Xuống
Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi
khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người
ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những
người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra
bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường"
của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc giáo phận 16 của thủ đô
Paris Pháp quốc.
Từ 8 năm qua, một số giáo dân
thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải
phóng kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội
quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó
chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn
bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người
đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của
những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng
ghét bỏ.
Một thanh niên thường xuyên đến
gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau:
"Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng
ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm
của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ
mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."
Mục đích của những người xuống đường
trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải
và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm,
những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa
là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy,
những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi
han với tất cả yêu thương và cảm thông.
Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những
người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán
cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng
nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng,
khi xuống đường đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính
chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét