CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA - lễ
kính
PHÚC ÂM: Mc 1,7-11
“Con
là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
7
Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau
tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho
anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
9
Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép
rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời
xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại
có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Suy niệm:
Sống
đẹp lòng Chúa
Với lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa,
chúng ta chấm dứt Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường Niên I, chu kỳ năm B,
kéo dài đến Chúa Nhật VII, rồi bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro.
Bài Đọc I trích trong Isaia (42, 1-4, 6-7; có thể chọn đoạn 55,
1-11), nói đến ‘Người được Thiên Chúa tuyển chọn và làm đẹp lòng Chúa trong mọi
sự’.
Bài Đọc II trích trong Sách Công Vụ
Tông Đồ
(10, 34-38; cũng có thể chọn 1Gioan 5, 1-9) nói đến việc Chúa Giêsu được Thiên
Chúa xức Dầu Thánh, được đầy Chúa Thánh Thần và ra đi rao giảng.
Bài Phúc Âm (Matcô 1, 7-11) ghi lại việc Chúa
Giêsu đến để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan, và khi Ngài chịu xong, Chúa Thánh
Thần tràn ngập trên Ngài, có tiếng từ Trời cao nói: “Con là
Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Lúc đó là vào khoảng năm 30 (Lc 3,
23), Thánh Gioan Tẩy Giả đang ban Phép Rửa thống hối tại sông Giodan (Gioan
1,28) (chỗ gọi là Bêtania phía đông sông Giodan; nơi này khác với làng Bêtania
là quê hương của ba chị em Matta, Maria va Ladarô). Thánh Gioan kêu gọi mọi người
đến chịu Phép Rửa để tỏ dấu ăn năn tội lỗi và sửa lại cuộc sống, đón chờ Chúa Cứu
Thế đến. Chúa Giêsu cũng đến nhận Phép Rửa của Thánh Gioan. Dịp này, Ngài được Đức
Chúa Cha chính thức giới thiệu Ngài là Đấng ‘Thiên
Sai’ và Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên Ngài. Từ nay Chúa
Giêsu từ bỏ cuộc sống 30 năm ẩn dật ở Nagiaret để bắt đầu cuộc sống công khai
ra đi rao giảng.
Phép Rửa Thánh Gioan ban chỉ là một
‘phép rửa bằng nước’ để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Còn Bí Tích Rửa tội là một
trong bảy phép Bí Tích, là ‘phép Rửa Tội trong Chúa Thánh Thần và lửa!’
(Matthêu 3, 11).
Khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội là chúng ta được tha tội nguyên tổ (tội
tổ tông truyền) và các tội riêng chúng ta đã phạm (khi chúng ta chịu vào tuổi đã
khôn lớn). Lúc đó chúng ta được ‘chết đi với Chúa Kitô, từ bỏ đời sống tội lỗi
và sống lại thật với Chúa Kitô, trở nên trong sạch xứng đáng là con Chúa, và
chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa, bắt đầu một cuộc sống mới trong
Chúa Thánh Thần, trở nên một chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và
cùng góp phần vào việc làm tăng trưởng gia đình Giáo Hội qua cuộc sống làm chứng
cho Chúa” (Theo Sách Giáo Lý).
Vì thế, Bí Tích Rửa Tội khởi đầu cuộc
sống Kitô hữu (Bí Tích khai tâm), chỉ sau khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta mới được
chịu các phép Bí Tích khác.
Bí Tích Rửa Tội ghi dấu thiêng liêng vào linh hồn chúng ta, không
bao giờ mất, nên chỉ được chịu một lần (cũng như Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích
Truyền Chức Thánh).
Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là dịp để mọi người chúng ta nhớ lại
phép Rửa tội chúng ta đã được lãnh nhận, để tạ ơn Chúa và cầu xin cho mọi người
chúng ta luôn cố gắng sống xứng đáng con cái Chúa trong gia đình Giáo Hội và
luôn sống làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta nên nhớ: vào cuối nghi thức
Rửa Tội, vị chủ sự trao cho người vừa được rửa tội Tấm Áo Trắng (tượng
trưng tâm hồn trong sạch qua Bí Tích Rửa Tội) và Cây Nến cháy sáng đốt từ
ngọn lửa của Cây Nến Phục Sinh (tượng trưng Ánh Sáng Chúa Kitô). Khi trao Tấm
Áo Trắng, vị chủ sự nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa
Kitô. Vậy con hãy lãnh nhận áo trắng này, con hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh
tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống
muôn đời.” Khi trao Cây Nến Sáng, vị chủ sự nói với chúng ta: “Con đã trở nên
ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn luôn sống như con cái Sự Sáng, để được bền vững
trong Đức Tin. Khi Chúa Kitô ngự đến, con sẽ xứng đáng ra nghênh đón Người cùng
với toàn thể các Thánh trên trời.”
Trong nghi thức rửa tội trẻ em, vị
chủ sự trao áo trắng và nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới, và đã mặc lấy
Chúa Kitô, chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương
lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường
sinh.” Và khi trao Nến Sáng (qua cha mẹ đỡ đầu), vị chủ sự nói: Anh chị em thân
mến, là những bậc làm cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho
anh chị em chăm sóc, tức là lo lắng cho những em được Chúa Ktô soi sáng, luôn sống
như con cái sự sáng và bền vững trong Đức Tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, các em sẽ được
ra nghênh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.”
Điều này nhắc nhở trọng trách của
các bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái khi các em lớn lên; đồng
thời cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cha mẹ đỡ đầu. Thật là một vinh dự khi được
mời làm cha mẹ đỡ đầu, nhưng đó cũng là một trọng trách mà cha mẹ đỡ đầu phải
lo chu toàn trước mặt Chúa. Chúng ta phải ý thức bổn phận này khi chúng ta được
mời để đỡ đầu cho các tân tòng hay các em nhỏ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Kết thúc Bí Tích rửa Tội, trước khi
lãnh nhận phép lành, chúng ta cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, để nhắc nhở chúng ta,
qua Bí Tích rửa Tội, chúng ta được vinh dự có Chúa là Cha, và chúng ta đều là
anh em với nhau trong gia đình Giáo Hội.
Lm. Anphong Trần
Đức Phương
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, Xin cho chúng ta luôn hết
lòng phụng sự Chúa và yêu thương lẫn nhau để cùng nhau loan truyền cho mọi người
nhận biết Chúa là Cha, và chung tay xây dựng tình yêu thương trong gia đình
nhân loại.
Lẽ sống:
Kho
tàng ẩn dấu
Chúng
ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng
vai trò quan trọng nhất không?
Lá
lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để
giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí
kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến
não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần
thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con
người. Những âm vang được truyền đến màng nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương
nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô
của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi
một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính
là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu
nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động
của cơ thể con người.
Lại
nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những
sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những
cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải
chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có
giá trị nhất trong cuộc sống con người?
Có lẽ không phải do ngẫu
nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật
trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy
cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm
âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong
cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho
một giá trị cao cả và trường cửu.
Sống một cách trọn vẹn,
sống với tất cả niềm tin - tất cả những sinh hoạt tầm thường và nhỏ nhặt nhất
trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được
hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét