PHÚC ÂM: Ga 1,35-42
“Các
ông đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và ở lại với Người.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Gio-an.
35 Khi
ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức
Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai
môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông
đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là
thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” 39 Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ
Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
40
Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói
và đi theo Đức Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói
: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). 42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức
Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói : “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh
sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
Suy niệm:
Hành trình ơn gọi
Các bài sách thánh hôm nay đều nói về ơn gọi. Ơn gọi của
Samuel thật lạ lùng. Còn ơn gọi của Anrê và Gioan diễn ra nhẹ nhàng hơn. Tuy
nhiên, dù mạnh mẽ lạ lùng hay nhẹ nhàng bình thường, hành trình ơn gọi nào cũng
trải qua bốn giai đoạn.
Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng
diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tuỳ sự đón nhận của người
nghe.
Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng,
một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng. Ở Samuel, đó là ước
nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa. Ở Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý
tưởng.
Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa.
Trong trường hợp Samuel, người trung gian là thày cả Hêli. Còn trong trường hợp
Anrê và Gioan, thánh Gioan Baotixita đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Đức
Giêsu.
2.
Giai đoạn hai: Ta đáp trả
Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi,
Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn.
Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc
một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi
cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa. Với Samuel, việc Chúa
ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với Anrê và
Gioan, việc Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt
khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.
3.
Giai đoạn ba: Sống thân mật với Chúa
Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng
là sống thân mật với Chúa. Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu
gọi ta theo Chúa. Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng
để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta
lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết. Sự sống của Chúa là
tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương.
Trong tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn ta được gột rửa sạch mọi
tội lỗi.
Trong tình yêu Thiên Chúa, trái tim ta trở nên dịu dàng,
hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.
Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến
đổi toàn bộ cuộc đời ta. Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác
nữa.
Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời
Samuel hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Sau một buổi chiều thân mật sống với Đức
Giêsu, hai tông đồ Anrê và Gioan gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.
4.
Giai đoạn bốn: Làm chứng cho tình yêu Chúa
Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều
gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó. Giống như dòng suối sung mãn
tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng,
giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê vội vã đi tìm em là Phêrô để dẫn
đến giới thiệu với Người. Từ đó, Anrê theo Đức Giêsu cho đến cuối đời. Ông đã đem
chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã đổ máu ra để
chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến
hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được Thiên
Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết.
ü Lời Chúa vang lên khi ta chịu phép Rửa tội.
ü Lời Chúa tiếp tục mời gọi ta khi ta lãnh nhận các bí tích,
khi ta nghe sách thánh, khi ta học giáo lý, khi ta tĩnh tâm, nghe giảng.
ü Lời Chúa lúc thì nhẹ nhàng thoang thoảng, khi thì mãnh liệt
thiết tha. Nhiều lúc ta tưởng đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật là đã đáp lại tiếng
Chúa mời gọi, nhưng không phải. Chúa không mời gọi ta chỉ đi lễ như trả nợ.
Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết
với Người trong tình con thảo.
Hành trình đức tin của người Kitô hữu là một hành trình đi
về với Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu? Tôi đã thực sự gặp được
Chúa chưa? Tôi đã tiến đến gần Chúa chưa? Hay là tôi mới ở khởi điểm? Hãy đến,
Chúa đang mời gọi ta. Chúa đang chờ đợi ta. Chúa đang mở rộng vòng tay, mở rộng
trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Người. Tình yêu ấy là hạnh phúc
muôn đời của ta.
Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Cầu
nguyện:
Lạy
Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con biết sống khiêm nhượng như Gioan Tẩy Giả.
Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết giới thiệu Chúa cho mọi người qua lời
ăn, tiếng nói và nhất là cách sống đạo của mỗi người chúng con trong cuộc sống
hằng ngày.
Lẽ sống:
Tấm
gương sự thật
Theo câu chuyện cổ tích của người Tây Phương về
Cô Bạch Tuyết và bảy chú lùn thì Sự Thật chiếu sáng và nói qua một tấm gương.
Khi hoàng hậu, người kế mẫu của Bạch Tuyết nhìn vào tấm gương sự thật ấy để hỏi
về mình, bà được trả lời như sau: "Thưa hoàng hậu, hoàng hậu là người đẹp
nhất hiện nay". Mà quả thật, so sánh với những người đàn bà đương thời, bà
ta là người đẹp nhất.
Nhưng
công chúa Bạch Tuyết mỗi ngày một lớn và trở nên xinh đẹp. Trắng như tuyết, đỏ
như máu, đen như mun: ba màu sắc ấy kết hợp một cách hài hòa để mỗi ngày một
gia tăng vẻ đẹp cho cô bé, dù chỉ mới lên 7 tuổi. Ai cũng nhận thấy rằng cô đã
vượt xa người kế mẫu về sắc đẹp.
Một
hôm, hoàng hậu kế mẫu hỏi ý kiến của chiếc gương Sự Thật một lần nữa. Lần này,
tấm gương đã trả lời: "Thưa hoàng hậu, quả thực hoàng hậu là người xinh đẹp
ít ai sánh bằng. Nhưng hiện nay, công chúa Bạch Tuyết đã đẹp hơn hoàng hậu bội
phần. Ðây là điều mà không ai chối cãi được, 7 chú lùn đã xác định điều đó".
Người
kế mẫu không muốn chấp nhận Sự Thật ấy. Bà không thể nào chấp nhận một đứa con
riêng của chồng được quyền đẹp hơn Bà. Sự ganh ghét đã bắt đầu gặm nhấm tâm hồn
bà để rồi bà chỉ còn có mỗi một ý nghĩ trong đầu: đó là loại bỏ người đối thủ
tí hon của bà. Bà sai người cho thuốc độc vào một trái táo rồi mang đến cho Bạch
Tuyết. Cô bé bị ngộ độc và đã đi vào cõi chết, nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp
trên gương mặt. Một hoàng tử đã say mê nhìn khuôn mặt bất động ấy.
Chàng
đã đặt trên môi Bạch Tuyết một chiếc hôn. Trái táo độc rớt khỏi môi và Bạch Tuyết
đã được hồi sinh. Người hoàng hậu kế mẫu nghe điều đó. Sự oán hận và ganh tức đã
dồn lên khiến cho người đàn bà chết tức.
Tấm
gương Sự Thật của chúng ta chính là Ðức Kitô.
Philatô
đã có lần hỏi Chúa Giêsu: Sự Thật là gì? Chúa Giêsu đã không trả lời cho câu hỏi
ấy. Nhưng hẳn những người môn đệ đã có lần nghe Chúa Giêsu tuyên bố: "Ta là Ðường, là Sự
Thật, và là Sự Sống" đều có thể trả lời cho câu hỏi ấy.
Chúa
Giêsu không chỉ là Sự Thật một cách trừu tượng, một cách trống rỗng, mà là Sự
Thật của con người, đối với con người. Cũng chính Philatô, sau khi đã ra lệnh đánh
đòn Chúa Giêsu, đã đưa Người ra trước dân chúng và tuyên bố: "Này là Người".
Này là người, này là con người, hay đúng hơn là sự thật về con người. Chúa
Giêsu đã để lộ tất cả con người của ngài qua những vết thương trên người. Phải
chăng con người chỉ để lộ nhân tính và tất cả những nét cao quý nhất của mình
qua những lằn roi, qua những vết thương đau vì yêu thương, vì phục vụ?
Chúa
Giêsu là tấm gương Sự Thật của con người. Chỉ qua Ðức Kitô, chúng ta mới có thể
nhận diện được con người đích thực của chúng ta. Nhìn vào Ðức Kitô, tội lỗi và
những bất toàn của chúng ta sẽ hiện ra, nhưng hình ảnh cao quý được Thiên Chúa
in trên mỗi người chúng ta cũng tỏ lộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét