PHÚC ÂM:
Mc 3,13-19
“Đức Giê-su gọi những kẻ Người muốn, để các
ông ở với Người.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
13 Khi ấy, Đức Giê-su lên
núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các
ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người
lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn –Người đặt tên là Phê-rô–, 17 ông
Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê –Người đặt tên cho
hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi–, 18 rồi đến các ông An-rê,
Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô,
Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
Suy niệm:
Ta thường tìm cách giải thích vì sao người
này người kia có ơn gọi này hay ơn gọi nọ; nhưng ta không bao giờ lý giải được
rốt ráo, vì tiên vàn đó là một hồng ân.
Chúa gọi những ai Chúa muốn.
Ơn gọi là một ân huệ vì đó là quà tặng của
Thiên Chúa do ý định nhiệm mầu của Ngài chứ không phải do chúng ta có quyền đòi
hỏi.
Ơn gọi luôn gắn liền với sứ mạng: Chúa gọi các môn đệ để sai họ đi rao giảng. Điều
này dễ nhận ra vì sứ mạng rao giảng có thể thấy được qua những hoạt động bên
ngoài.
Nhưng cũng đừng quên rằng nhịp cầu nối liền
ơn gọi với sứ mạng chính là ở lại với Đức Ki-tô bằng đời sống cầu nguyện kết hiệp.
Được ơn Chúa kêu
gọi thì phải đến ở với Chúa Giê-su thì mới được Ngài sai đi.
Trong tin mừng hôm nay ta còn thấy một điều
kiện khác của sự hiệp nhất:
tuyển chọn Nhóm Mười Hai, cơ cấu diễn tả tính đa dạng trong sự hiệp nhất mà
chúng ta phải liên kết để được kết hiệp với Thiên Chúa.
Tất cả các chia rẽ trong Giáo hội đều do sự
thiếu đức tin và thiếu liên kết với giáo quyền; nhưng nếu ta muốn sống thật sự
trong hiệp nhất, ta cần phải có một tình thương đặc biệt đối với người trong
Giáo hội được đặt lên để nắm quyền.
Họ là những con người yếu hèn, bất toàn, nhưng được Đức Kitô thiết
lập để duy trì sự hiệp nhất và do đó ta
phải đối xử với họ bằng sự yêu thương, thông cảm. Đức Kitô Giêsu ở với họ! Ta hãy cầu xin
Chúa, cho ta và cho hết mọi người được ơn sống kết hiệp với Chúa, trong tình
yêu Chúa, tuân giữ lề luật mà Ngài khắc ghi trong lòng và với lòng tin tuân phục quyền bính do Ngài thiết
định, để tất cả chúng ta nên một thân thể duy nhất.
Chúng ta được mời gọi để nên môn đệ, nhưng không phải mọi môn đệ đều được
kêu gọi làm tông đồ. Từ trên núi (nơi mà Thánh Kinh thường nói đến như bối cảnh
của những mạc khải của Thiên Chúa) Đức Giêsu tuyển chọn Mười hai môn đệ để làm tông đồ.
Không cần phải tìm xem thánh Mátcô ám chỉ núi nào. Núi là nơi xảy ra mạc khải của
Thiên Chúa, còn biển như trong đoạn (Mc 4,35-39; 5,46-52) là nơi thử thách và
nghịch cảnh.
Từ Tông Đồ có nghĩa là người được Đức Giêsu sai đi, mặc lấy quyền
năng của Ngài. Các Tông đồ có trách nhiệm
củng cố giáo hội, nhân danh Đức Giêsu Kitô. Ngài chọn Mười Hai vị để họ ở với
Ngài, để họ rao giảng tin mừng như Ngài và để họ xua trừ ma quỷ. Con số mười
hai tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Chính họ sẽ nâng đỡ dân Thiên Chúa
mà Đức Giêsu quy tụ.
Giáo hội tông truyền bởi lẽ được củng cố nhờ các tông đồ. Tất cả các chi thể đều hiệp thông vào việc
tông đồ, là ánh sáng và hy vọng cho mọi người, như men giữa lòng thế giới. Người tông đồ và người
môn đệ có cùng một mục đích, cho dù tác vụ có khác nhau. Họ làm cho Nước Thiên
Chúa được lan rộng khắp nơi qua muôn thế hệ.
Sống Lời Chúa:
Ý thức rằng qua bí tích Rửa Tội mọi người đều
được kêu gọi và được sai đi, chứ không riêng gì những người được ơn gọi chuyên
biệt trong Giáo Hội. Và không chỉ những tu sĩ chiêm niệm mà mọi Ki-tô hữu đều
phải có đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thống nhất các hoạt động tông đồ của
mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin ban cho con ơn Chúa và xin cho con luôn sẵn sàng đáp trả lời mời gọi
của Chúa với đời sống dấn thân hy sinh và phục vụ, để đời sống của con là chứng
nhân cho Tin mừng của Chúa trong cuộc sống thường ngày.
Lẽ sống:
Chúa Giêsu đi xem bóng đá
Một linh mục Ấn Ðộ chuyên về huấn
luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau:
Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận túc cầu. Chúng
tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội
Công Giáo.
Ðội Công Giáo làm bàn trước một
không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin
Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời
Một khán giả ngồi bên cạnh lấy
làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu.
Ông ta lấy tay đập lên vai Ngài
rồi hỏi: "Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?". Xem chừng như vẫn
còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: "Tôi hả? Tôi không ủng
hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi". Người
khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Ông quay
sang người bên cạnh và nói nhỏ: "Hắn là một tên vô thần".
Trên đường trở về nhà, chúng tôi
chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với
Ngài: "Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng
rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người thuộc
tôn giáo khác".
Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý.
Ngài nói: "Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng
hộ con người. Con người quan trọng hơn
tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người
có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá".
Câu chuyện tưởng tượng trên đây
cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải
qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh
tôn giáo. Con người
ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ tư tưởng của mình để
triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà
không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho
chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt trời mọc
lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết và yêu
mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu thương
nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Ðấng mà người
ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính anh em đồng loại của mình. Thiên
Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến
con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét