Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật I Thường Niên năm B. 12.01.2015

PHÚC ÂM:   Mc 1,14-20
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Suy niệm:

Sau khi từ giã gia đình và làng quê Nadarét, Chúa Giêsu ra đi rao giảng một thời gian trước khi tuyển chọn môn đệ. Thế nhưng thánh Máccô lại kể việc này như thể xảy ra ngay lúc Chúa khởi đầu sứ vụ công khai.
Theo các nhà chú giải, thánh ký muốn cho thấy rằng: việc có người tiếp nối sứ mạng của Ngài là việc quan trọng hàng đầu và những người này thiết yếu phải ở với Ngài ngay từ đầu. Quả thật có sống với Chúa Giêsu mới hiểu Ngài và mới làm chứng trung thực cho Ngài. Các môn đệ đầu tiên nghe Chúa gọi đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay, sẵn sàng bước vào cuộc sống ở gần Chúa.
Trong phần đầu đoạn Tin mừng, Thánh Marcô đã tóm tắt sứ điệp cốt lõi mà Đức Giêsu rao giảng: sám hối ăn năn và tin vào Tin mừng. Chắc chắn, thái độ ăn năn sám hối mà Đức Giêsu kêu gọi ở đây không phải chỉ là sự hối tiếc, dằn vặt về lỗi lầm đã qua, nhưng phải dẫn đến sự thay đổi đời sống, hoán cải từ tình trạng xấu trở nên tốt.
Trong phần thứ hai của đoạn Tin mừng, Marcô ghi lại việc Đức Giêsu chọn gọi các môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Họ chỉ là những ngư dân: tầm thường, bình dị. Họ được Đức Giêsu gọi ngay trong chính hoàn cảnh hằng ngày của họ: lúc họ đang đánh cá, vá lưới. Và họ đã bỏ gia đình, bỏ nghề nghiệp hiện tại để đi theo Ngài..
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi mỗi ngày. Ngài vẫn thấy tôi. Ngài vẫn mời tôi đi theo Ngài để làm điều gì đó cho Nước Ngài, trong hoàn cảnh hiện tại của tôi.

Sống Lời Chúa:
Mỗi ngày xét mình:
1.      Đối với tôi việc sống kết hiệp với Chúa Giêsu có phải là việc ưu tiên hàng đầu không?
2.     Tôi làm gì để đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân tôi với Chúa Giêsu?

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang được Tin Mừng của Chúa hướng dẫn trong cuộc sống. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn biết sám hối mọi tội lỗi chúng con đã phạm; để chúng con nhận được ơn tha thứ của Chúa và ngày sau được vui sống  trong Nước Trời.

Lẽ sống:
Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Chúa

Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu trâm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?
Charles Schwab, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi. Howard Hopson, giám đốc của một hãng gas lớn trở thành điên loạn. Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi. Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.
Bức tranh trên đây không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Có biết bao nhiêu người giàu có đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Tiền bạc của cải tự nó không phải là một điều xấu. Ai trong chúng ta cũng cần có tiền bạc của cải để sống xứng đáng với nhân phẩm. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.
Tuy nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền bạc sẽ giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn. Nếu trái lại, con người chạy theo tiền của như một cứu cánh trong đời người, nghĩa là con người có thể tôn thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc sống, thì lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu với con người.
Khi kể lại dụ ngôn của người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa Giêsu muốn kéo chúng ta trở lại với chân lý nền tảng trong cuộc sống: hãy chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửu. Hãy hướng tất cả mọi sự vào cùng đích của cuộc sống. Hãy dùng tiền bạc, hãy cư xử thế nào để luôn có những người bạn luôn chờ đón ta trước cổng Thiên Ðàng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét