Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm sau lễ Hiển Linh năm B. 08.01.2015

PHÚC ÂM:   Lc 4,14-22a
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
14 Khi ấy, được đầy quyền năng Thần Khí, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng đồn Người lan ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” 22a Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.
Suy niệm:

Đọc xong bài Tin Mừng hôm nay dường như có gì đó thiếu thiếu thì phải. Chúa Giêsu trở về Nadarét, vào hội đường, đọc Sách Thánh, đọc xong Ngài chỉ nói một câu: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Ấy vậy mà mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp của Ngài. Chúa Giêsu có nói gì nhiều đâu mà tán thành và thán phục?
Điều làm cho nhiều người tán thành và thán phục đó chính là nhìn thấy phong thái uy nghi của Chúa Giêsu. Người ta nhìn thấy nơi Ngài có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm; giữa những gì Ngài rao giảng và những gì Ngài thực hiện.
Có rất nhiều lý do làm cho đạo Công Giáo của chúng ta chưa hấp dẫn được người khác. Và một trong những lý do theo như một số người nhận định đó chính là người Công Giáo nói và làm khác nhau. Có người nhận xét cách đau đớn rằng: "Lý thuyết của đạo Công Giáo thì không ai bằng, nhưng thực hành thì không bằng ai". Có thể đây là nhận xét hơi quá, nhưng cũng là điều để nhắc nhở chúng ta phải tự suy xét lại mình mỗi ngày.
Các cha đi du học bên Tây về thường chia sẻ thế này: Ở bên Tây có rất nhiều người Công giáo chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời: lần thứ nhất là ngày được rửa tội, lần thứ 2 là ngày lễ hôn phối, và lần thứ 3 là ngày lễ an táng; trong 3 lần đó thì có tới 2 lần là phải nhờ người khác đưa đến, đó là ngày rửa  tội – cha mẹ bồng trên tay đưa đến nhà thờ; và ngày lễ an táng – người thân đến nhà thờ đưa tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Điều mà các cha muốn chia sẻ đó là tình trạng suy giảm về đời sống đức tin của những người Công giáo bên các nước phương Tây. Dường như tình trạng đó cũng đã bắt đầu xuất hiện tại đất nước chúng ta, tại giáo phận chúng ta, và gần hơn hết là tại giáo xứ của chúng ta.
Có thể phân biệt ra 3 loại người Công giáo:
loại người thứ nhất là người CÓ ĐẠO;
loại người thứ 2 là người GIỮ ĐẠO;
và loại người thứ 3 là người SỐNG ĐẠO.
CÓ ĐẠO thì nhiều lắm, những người mà các cha đi du học bên Tây về chia sẻ là những người CÓ ĐẠO; GIỮ ĐẠO thì ít hơn. GIỮ ĐẠO chính là có đi xem lễ, giữ lễ Chúa Nhật, về nhà sáng tối đọc kinh, cầu nguyện; hằng tuần, hàng tháng đi xưng tội, rước lễ.v.v.. tức là chúng ta GIỮ tất cả những gì đạo dạy, GIỮ những lề luật, GIỮ những nghi lễ trong đạo. Nhưng đó cũng chưa phải là điều Chúa và Giáo Hội mong muốn.
Vậy điều mà Chúa và Giáo Hội mong muốn nơi người Kitô hữu đó chính là SỐNG ĐẠO. SỐNG ĐẠO không chỉ là giữ, mà còn thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy một cách cụ thể.

Sống Lời Chúa:
Trước cửa Thiên đàng, Chúa không hỏi mọi người: Có chịu phép rửa tội, có theo Kitô giáo, có phải là người Công giáo, có phải là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng? Điều mà Chúa đặc biệt quan tâm và xét hỏi sống như Chúa Giêsu đã làm, đã sống, đã dạy hay không?.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúng con cầu xin Chúa ban ơn trợ lực, giúp cho chúng con nỗ lực sống không chỉ là người CÓ ĐẠO, GIỮ ĐẠO, mà còn là người SỐNG ĐẠO nữa.

Lẽ sống:
Sứ giả hòa bình

Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tình yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ cây.
Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.
Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào. Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.
Ngài nói với chim chóc như sau: "Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi".
Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: "Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh". Chú sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.
Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.
Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: "Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa".
Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.
Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhân kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét