PHÚC ÂM: Mt 4,12-17.23-25
“Nước Trời đã đến
gần.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
12 Khi ấy, Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an
đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một
thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng
nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói : 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường
ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! 16 Đoàn
dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang
ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng
và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền
Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa
hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ
đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị
quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ. 25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh,
thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt
kéo đến đi theo Người.
Suy niệm:
Mỗi Kitô hữu khi chịu
phép Rửa Tội được Chúa và Giáo Hội trao cho một sứ mạng cao cả, sứ mạng đó
chính là Truyền Giáo, là rao giảng Tin Mừng. Khi
nói đến vấn đề truyền giáo thì đối với người giáo dân xem như là điều gì đó rất
mơ hồ, mông lung; thậm chí là xa vời; dẫu biết rằng, chúng ta vẫn thường được
nghe nói, được nhắc nhở đến việc truyền giáo, phương pháp truyền giáo. Và có lẽ
không ít người trong chúng ta sẽ cho rằng công việc đó chẳng có liên hệ gì đến
mình, nhưng là việc của các tu sĩ. Đó là suy nghĩ rất thiếu sót. Chúng ta tự
coi mình là những bông lúa, còn thợ gặt là ai đó, chứ không phải mình, mà cụ thể
là các cha, các thầy, các sơ.
Tin
Mừng hôm nay gián tiếp cho chúng ta biết rằng, sứ mạng Truyền Giáo là sứ mạng
chung của mọi Kitô hữu, khi thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Galilê làm cứ điểm đầu
tiên trong hoạt động truyền giáo của Ngài. Theo nguyên nghĩa chữ Galilê là bất
cứ miền nào trong xứ. Do đó, hàm ý là Nước Thiên Chúa không còn hạn hẹp đóng
khung trong một địa dư nào. Đặc biệt hơn, Galilê thời Chúa Giêsu là miền có nhiều
thổ dân khác nhau, có nhiều tôn giáo khác nhau sống bên nhau. Galilê còn là nơi
giao thoa, là ngã tư của nhiều dân ngoại tới giao thương trao đổi. Và có thể
nói một cách nào đó Galilê như một thế giới thu hẹp, là một thứ tượng trưng cho
nhân loại rộng lớn mà Chúa Giêsu sẽ trao phó cho Giáo hội phổ quát của Ngài mai
sau này.
Công đồng Vaticano II cũng
long trọng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng quả quyết: “không một ai trong những người tin
vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao
cả này: Đó là loan báo Tin mừng Đức Kitô cho mọi dân tộc”.
Thật
vậy, qua Bí tích Rửa tội, Kitô hữu được Thiên Chúa và Giáo Hội trao cho một ngọn
đuốc thiêng liêng, vừa có vai trò soi đường cho họ đi, cũng vừa có vai trò soi đường
cho người khác đến với Chúa. Nhưng khi nhìn lại hành trình theo Chúa của mỗi người,
có những lúc ngọn đuốc thiêng liêng này đã bị tắt ngủm lúc nào không hay; ngay
chính chúng ta cũng đi trong bóng tối thì nói gì đến việc soi sáng cho người
khác.
Từ đó vai trò truyền
giáo của người giáo dân là vô cùng quan trọng. Vì cuộc sống, người giáo dân có
thể có mặt khắp nơi và có thể tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội. Do đó,
chính người giáo dân mới là người đầu tiên giới thiệu Đức Kitô cho anh chị em của
mình. Chúng ta chẳng cần phải làm gì to tát, chẳng cần phải khua
chiêng đánh trống nhưng chỉ cần sống đúng vai trò của mình, một Kitô hữu, một
người thuộc về Chúa Kitô. Thực tế là ngoài lý do trở lại đạo vì hôn
nhân, có rất nhiều người khác đã trở lại vì một người bạn công giáo tốt, hoặc
vì thấy lối sống của một người công giáo nào đó đã làm cho họ phải suy nghĩ và
trở lại.
Thật vậy, một đời sống đạo đức, chân thành, cởi
mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp
có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương
bày lôi kéo", con người luôn muốn nhìn thấy những bằng chứng
cụ thể hơn là lý thuyết, đúng như lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: "Con người ngày nay cần
những chứng nhân hơn thầy dạy".
Sống Lời Chúa:
Xin Chúa cho mỗi người
chúng con ngày càng ý thức hơn vai trò và sứ mạng của mình trong việc mở mang nước
Chúa qua việc truyền giáo. Và khi thi hành sứ mạng ấy, dù thành công hay thất bại,
xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn trở về bên Chúa, tin tưởng và phó thác
vào Ngài.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận
ra Chúa, đến với Chúa và bước đi bên Chúa, để con được Chúa dìu dắt và nâng đỡ,
để cuộc đời con được Chúa biến đổi và nâng cao.
Lẽ sống:
Chiếc
áo rách
Một
linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng
người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh
trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy,
người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo
rách rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày
nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả
tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một
chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con
mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc,
thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày
ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng
đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con
bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu,
anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ
cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng
ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh
đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời
muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một
chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia
sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở
thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài
năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt
anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một
cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới
lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?".
Người đệ tử mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này
hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo
rách".
Vì chén cơm manh áo,
người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể
chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người
ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có
thể rơi vào.
Ðầu một Năm Mới, tiến thêm một bước trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa
ban thêm sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta.
Xin Ngài ban thêm can đảm để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ
sức khước từ mọi hành động bất chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin
Ngài ban thêm lòng quảng đại để chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để
chia sớt, để san sẻ với mọi người khốn khổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét