PHÚC ÂM: Mc 1,14-20
“Anh
em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
14
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của
Thiên Chúa. 15
Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám
hối và tin vào Tin Mừng.”
16
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là
ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người
bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những
kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
19
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là
ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các
ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà
đi theo Người.
Suy niệm:
Thay đổi bản thân để đổi
thay thế giới
Ngày xửa ngày xưa, có một
vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la. Ông muốn đích thân đi thăm những
miền xa xôi của đất nước. Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy và đau đớn,
vì đường xá gập ghềnh sỏi đá. Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương
quốc phải trải bằng da lông thú để nếu ông đi thăm vương quốc thì chân ông
không còn bị đau. Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai
dám lên tiếng. Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua: “Tâu bệ hạ, tại
sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy?
Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của
mình? Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh
sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?”. Nhà vua rất
ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của
nhân loại ra đời.
Có nhiều người muốn bắt cả
thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân,
thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác. Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm
sám hối. Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân
thành sám hối. Vào thời đó, thành phố này có tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến
nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì tìm cách chạy trốn vì sợ
hãi. Nhưng lạ thay, khi nghe lời Gioan rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân
đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua. Nhờ lòng sám hối, dân thành đã không bị
án phạt giáng xuống.
Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng
bằng lời kêu gọi sám hối. Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở
mọi nơi Người đặt chân tới. Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng.
Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người
rao giảng. Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu. Ngài
luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ. Tin Mừng kể lại có những
người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ
tha. Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối
và được nên thánh.
Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai
sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên
tốt hơn. Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối
với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người
khác. Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta
đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống. Giống như vị vua trong
câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy
êm ái và sạch sẽ. Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng
ta sẽ khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi
mọi người mọi vật xung quanh.
Sám hối còn là đoạn tuyệt
với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu. Thánh Máccô kể
với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê
và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi
đầu một hành trình mới. Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu,
khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn
bó. Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn,
nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thày, bỏ Thày thì
chúng con biết đến với ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67)
Cũng như một cỗ máy cần được
bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta phải
được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn.
Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu
chúng ta. Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực,
vì “thời gian chắng còn bao lâu”. Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để
nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ
mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai
khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm,
hãy làm như không có gì cả…”.
“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội
nhân đều có một tương lai”. Đừng có ai mặc cảm về đời sống của mình mà không mạnh dạn thay đổi
cuộc đời. Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những
vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa. “Tâm bình, thế
giới bình”, cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con
người mỗi chúng ta.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
Cầu
nguyện:
“Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi đường đi của
Chúa,
Xin dạy bảo tôi về lối bước của Ngài.
Xin hướng dẫn tôi trong chân lý và dạy bảo
tôi,
Vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ tôi”
(Tv. 24,4 – Đáp ca)
Lẽ sống:
Thánh
Phaolô trở lại
Hôm
nay, Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.
Theo
Sách Công Vụ các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội,
Saolê, tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt
huyết đối với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước,
Saolê xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một
bè phái đi ngược lại với Ðạo giáo.
Một hôm, đang trên đường
đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng Sáng đánh
quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng nói của
Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".
Từ
đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự
Giáo Hội của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng
cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.
Cuộc
trở lại của Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của
Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái
cũng như lề luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng
chính là một Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.
Giáo
Hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu
cho hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của
dân tộc, của Ðạo Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy
Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu
đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người
môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là
đòi hỏi đầu tiên của sự trở lại?
Theo
từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa
là về nơi mình ra đi.
Nơi
mình đã xuất phát, nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu
không phải là Thiên Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.
Sự
quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối.
Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh
niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng
cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa
đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh
cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược
đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ
con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.
Ra khỏi chính mình, từ
bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại
trong Kitô giáo chúng ta.
Sự
trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của
những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi
lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của
người Kitô chúng ta.
Càng
đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với
tha nhân.
Xin
Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu
được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét