Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba sau Chúa nhật I Thường Niên năm B. 13.01.2015

Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
PHÚC ÂM:   Mc 1,21-28
“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Suy niệm:

Người Trung Hoa xưa cũng như nay rất kính trọng Khổng Tử. Ông là một vị thầy lớn của họ, những lời ông nói ra được các học trò ghi chép và truyền lại, rồi họ làm cho lời ông thấm nhuần tận cốt tuỷ của người Trung Hoa qua các thời đại.
Bảy lời khuyên đáng suy ngẫm của Khổng Tử

                                    1. Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích.
                                    2. Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích.
                                    3. Anh em không hòa, bạn bè vô ích.
                                    4. Làm việc bất chính, đọc sách vô ích.
                                    5. Làm trái lòng người, thông minh vô ích.
                                    6. Không giữ nguyên khí, thuốc bổ vô ích.
                                    7. Thời vận không thông, mưu cầu vô ích.
Lời của ông rất hữu ích cho những luật lệ xã giao lễ phép tự nhiên của con người. Tuy nhiên, lời của ông không thể làm cho con người được sống đời đời, và cũng không thể giải thoát nhân loại khỏi ách sự dữ là ma quỷ.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc nhân loại, lời Ngài giảng dạy có uy quyền khiến thiên hạ phải sửng sốt. Lời của Ngài không chỉ dạy ăn ngay ở lành, nhưng lời của Ngài còn ra lệnh truyền cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân theo.
Marcô tường thuật sự thành công và thu hút của Đức Giêsu, khi Ngài giảng dạy trong hội đường Capharnaum. Và không chỉ thu hút dân chúng trong lời giảng dạy, Đức Giêsu còn gây kinh ngạc cho dân chúng trong quyền năng chữa bệnh. Hôm ấy, Ngài đã chữa lành cho một người bị thần ô uế nhập, đang có mặt trong hội đường.
Hôm nay, còn nhiều “bệnh tật” đang cản trở tôi trong quá trình hoàn thiện ơn gọi Kitô hữu: khoái lạc, danh vọng, giàu sang; còn nhiều thế lực của sự dữ đang khống chế trên cuộc đời tôi.
Mong sao, Lời Chúa đưa tôi về với sự thật, với chân lý.
Mong sao, hành động của Chúa qua các bí tích, có sức mạnh giải phóng đời tôi khỏi bóng tối của sự tội.

Sống Lời Chúa:
Dành ít là 5 phút mỗi ngày để đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, qua Kinh Thánh, Chúa vẫn giảng dạy cho chúng con; qua Bí tích Giải tội, Chúa vẫn trừ quỷ cho chúng con. Xin cho chúng con biết tận dụng những phương tiện Chúa ban để nên giống Chúa hơn và làm sáng danh Chúa nhiều hơn.



Lẽ sống:
Tiếng chó sủa

Những người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.
Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:
"Tôi đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ.
Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ của nó. Ông không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.
Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng".
Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.
Thiên Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.
Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét