Thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục - lễ nhớ
PHÚC ÂM:
Mc 4,35-41
“Người này là ai, mà cả đến gió và biển
cũng tuân lệnh ?”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức
Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” 36 Bỏ
đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những
thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền,
đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu
vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng
ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển
: “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát
thế ? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy
người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
Suy niệm:
Tác giả thư Do Thái hôm nay cho chúng ta biết
những hiệu quả do đức tin mang lại. Nhờ tin mà Abraham trở thành cha của một dân tộc. Ông còn được gọi
là cha của những kẻ tin. Nhờ lòng tin mạnh mẽ vào Chúa nên ông sẵn sàng làm những
điều người đời cho la điên dại. Nhưng cũng chính nhờ đức tin, ông đã được Thiên
Chúa thưởng công xứng đáng.
Bài tin mừng mô tả cho chúng ta nỗi sợ hãi
của các môn đệ khi đối diện với sóng gió bão táp. Các ông sợ hãi mặc dù có Chúa Giêsu đang ở
với các ông. Các ông sợ vì thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu. Các ông đã chứng kiến
bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm nhưng lại thiếu niềm tin vào quyền năng của Ngài.
Vì thế, sau khi dẹp yên sóng biển, Ngài đã quở trách các ông: "Sao các con
sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"
Abraham được gọi là cha của những kẻ tin vì ông đã sẵn sàng làm
theo bất cứ những gì Thiên Chúa dạy cho dù ông không hiểu hết ý nghĩa của những
việc đó.
Chúng ta những Kitô hữu, những người tin
vào Chúa, nhưng đôi khi chúng ta không dám phó thác hoàn toàn cuộc đời của
chúng ta cho Chúa. Khi làm việc gì chúng ta thường hay tính hơn thua, được gì,
nhưng rất ít khi hoặc không bao giờ
chúng ta phó thác cho Chúa. Chúng ta chưa dám mạo hiểm vì Chúa. Có lẽ
chúng ta như những môn đệ trên thuyền hôm ấy, biết Chúa có quyền năng nhưng khi
gặp khó khăn thử thách thì lại nghi ngờ quyền năng Chúa.
Sống Lời Chúa:
Chúng ta học theo gương Abraham là phó thác
trọn cuộc đời cho Chúa. Tin rằng Ngài sẽ quan phòng và chăm sóc cho chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, chỉ có Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối. Chỉ có Chúa mới có thể đem lại
hạnh phúc cho chúng con. Chỉ có Chúa là Đấng luôn gìn giữ che trở chúng con.
Xin cho chúng con luôn xác tín vào điều đó.
Lẽ sống:
Kỳ quan của thế kỷ 19
Ngày
31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông
Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng
Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ
19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế
kỷ". Con người đó chính là Thánh Don Bosco.
Thánh nhân chào đời năm 1815
tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italia. Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước
cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra
trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó.
Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với
con".
Don Bosco đã thực hiện lời
khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ sống với người nghèo,
nhất là trẻ em nghèo. Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu nhặt những trẻ em
lang thang đầu đường xó chợ.
Nếu
mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng
lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã
tranh đấu cho giới công nhân rồi.
Thời của Thánh nhân, kỹ nghệ
mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Thánh nhân chủ trương không
chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần hay tu đức, mà còn
giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã được xem như là
cha đẻ của những trường huấn nghệ ngày nay.
Phương pháp sư phạm được Thánh
nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để
những sai trái không xảy ra. Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho
tất cả mọi cư xử của Thánh Don Bosco.
Hiền lành và vui vẻ là hai
nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Bosco. Với sự hiền lành đầy
cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa Giêsu. Cái
nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng: "Bạn
có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng ngã
lòng".
Ði
đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là:
Phụng sự Chúa trong vui tươi. Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu hiệu nhất cho
thời đại đầy phiền muộn và chán nản của chúng ta. Niềm vui
của Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta:
Thiên Chúa là Tình Yêu. Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể
nào buồn thảm được.
Sứ
điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại
của chúng ta. Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù
hận, nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảo. Thánh Don Bosco nói với chúng ta
rằng: Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng.
Giữa
một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta
nụ cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn
tin tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúa. Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don
Bosco mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét