Phúc Âm: Lc 9,18-22
“Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.
Con Người phải chịu đau khổ nhiều.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
18 Hôm
ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi
các ông rằng : “Dân chúng nói Thầy là ai ?” 19 Các ông thưa : “Họ bảo Thầy là
ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một
trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là
ai ?” Ông Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng
Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22
Người còn nói : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế
cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Suy
niệm:
Vào
một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: "Con có tin Đức
Giêsu là Thiên Chúa không?". Em trả lời ngay: "Dạ, thưa không ạ!".
Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: "Tại sao con không tin?". Em
đó nói: "Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ
làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm
nữa"; "Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt".
Qua
câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem
ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo! Thật vậy, trong xã hội
và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng
trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mẫu thuẫn với những gì chúng ta tuyên
xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu
lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách
sống của mình...!
Sống Lời Chúa:
+
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt noi gương Phêrô
để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin
cách trung thực trong cuộc sống của mình để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong
cuộc sống của chúng ta.
+ Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về
Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không
phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những
người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức
Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão
huyền. Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu
trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của
ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn
toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải
thoát bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con một
khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản
chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước
gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay.
Lẽ sống:
Xin
được đánh giày
Một
linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân
đã kể lại kinh nghiệm như sau:
Một
hôm, người được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện
vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị
hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh
Chúa.
Sau
khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm
suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng
của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả
chân thành:
"Thưa
cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích
ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày.. Xin cha cho con được phép đánh bóng
đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi
vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của
con trên Thiên Ðàng".
Và
không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt
đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục... Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại
hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên
chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. "Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được
tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều".
Theo
quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Tòa
án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một
hình phạt cân xứng.
Chúng ta không thể áp dụng
một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với
sự công thẳng của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái cân duy nhất: đó
là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn phủ lấp tất cả tội lỗi
của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.
Do
đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng
ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được
với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng
ta?
Thiên Chúa không chờ đợi
nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính Tình Yêu của chúng ta. Với tình yêu,
thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì
chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng
ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân... mà
chính là lòng yêu mến của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét