Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Lời Chúa: Chúa Nhật XXV TN - năm A. 21.9.2014

PHÚC ÂM:   Mt 20,1-16a
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?’ 7 Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà : 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”
Suy niệm
Tính ganh tị và lòng nhân từ
Ganh tị là tính xấu, đang khi lòng nhân từ được gọi là nhân đức, nhờ đó mỗi người trở nên hoàn thiện và đời sống chung sẽ tốt hơn. Người có lòng nhân từ sẽ nên giống Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, đang khi người có tính ganh tị lại mở cửa tâm hồn đón sự dữ vào và tự hiến mình làm nô lệ cho ma quỷ.
Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh cho chúng ta biết lòng ganh tị đã xuất hiện rất sớm và gây ra biết bao tai họa. Trước hết, vì kiêu căng và ganh tị, một số thiên thần phản loạn, muốn mình ngang hàng với Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Khi phải đau khổ vì xa cách Thiên Chúa và thấy loài người được hạnh phúc, các thần dữ đã ghen tương nên xúi dục Nguyên Tổ phạm tội. Cũng vì ganh tị, Cain đã nhẫn tâm giết em là Aben.
Người có tính ghen tương sẽ hủy hoại bản thân, phá đổ các mối tương quan tốt đẹp với tha nhân và chống lại Thiên Chúa. 
Với bản thân, người ghen tị luôn bất an trong lòng, nhất là khi thấy người khác hơn mình. Họ cố tình nhắm mắt bịt tai trước sự thật và sự thiện nên dễ tra tay làm điều gian ác. Yavê Thiên Chúa đã nhắc bảo Cain: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." (St 4, 6-7) Vì không để tâm lắng nghe lời Thiên Chúa, không biết nhìn sâu vào tâm hồn và chẳng chịu nhìn nhận việc làm chưa tốt của bản thân, nên Cain đã làm điều thất đức.
Với tha nhân, người có tính ganh tị gây nghi kỵ và bất ổn ở những nơi họ hiện diện. Là con trong gia đình, có khi họ không nhìn mặt cha mẹ và từ chối tình anh chị em vì nghĩ rằng mình bị đối xử bất công. Với bạn bè, họ trở thành xa lạ hoặc coi thân hữu là kẻ thù khi thấy những người ấy hơn mình.
Lòng ganh tị còn phá đổ những mối tương quan tốt đẹp nơi cộng đoàn. Ngày 27/ 08 vừa qua, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Tội phổ thông ở các giáo xứ là tội nói xấu.” Giáo dân là nơi chia sẻ, hiệp thông nhưng khổ thay, đó thường là nơi của ham muốn, ghen tương, vô cảm. Vị cựu cha xứ quá quen thuộc với những chuyện này, “chẳng hạn như khi có ai đó vừa được bầu lên một chức vụ như trưởng ban giáo lý, trưởng ban mục vụ thì lập tức người ta nói xấu về người đó…” Ngài còn thêm: “Nói xấu và ghen tương là tội rất nặng và là công việc của quỉ làm.”
Người ganh tị suy nghĩ và coi phán quyết của mình ngang bằng Thiên Chúa, họ không biết rằng: “Như trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55, 9) Chẳng những thế, khi tức giận vì thấy kẻ khác hơn mình, người có tính ghen tương còn chống lại Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành cho muôn vật muôn loài.

Thiên Chúa đặt vào tâm trí mỗi người hạt mầm của sự thiện “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tự thâm tâm có lẽ ai cũng mong được nên hoàn thiện, nhưng muốn thì chưa đủ, còn cần phải tập luyện các tính tốt như: quảng đại, nhân từ, hiền hậu, bao dung,… và tha thứ; đàng khác phải nỗ lực chế ngự nết xấu: ghen tương, đố kỵ, vênh vang, tự đắc, ích kỷ…. Ngoài ra, khi biết đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân, chúng ta dễ cảm thông và có thái độ trân trọng mọi người hơn. Trong đoạn Tin Mừng vừa nghe, những người trách ông chủ bất công, họ chỉ thấy những gian nan và vất vả nơi bản thân mà không thấy nỗi buồn lo của người anh em cùng cảnh ngộ. Đang khi họ có công việc ổn định và chắc chắn sẽ được lãnh một đồng vào cuối ngày, thì những người chưa tìm được việc làm vẫn phải đứng chờ nhiều giờ giữa phố chợ ồn ào, và nỗi thất vọng dâng cao khi mặt trời dần xế bóng.
Người bi quan sẽ thất vọng vì thấy tính ghen tương và hệ quả xấu của chúng khắp nơi. Đang khi đó, những người có đức tin trưởng thành lại nhận ra lòng nhân từ vẫn hiện diện và tỏa sáng khắp chốn, nên luôn quảng đại với mọi người, cố gắng xây dựng tình nhân ái trong môi trường họ sống và làm việc.
Gia đình anh có năm đứa con, tất cả còn đang cắp sách đến trường. Vợ chồng, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống đắp đỗi qua ngày, nhưng anh quyết tâm lo cho các con được ăn học với hy vọng sau này cuộc sống của con cháu bớt cơ cực hơn. Các con anh như hiểu lòng cha mẹ nên chăm chỉ học hành và được xóm làng thương mến. Hơn năm nay chứng hen phế quản mãn tính làm anh mất sức, không thể lao động nặng được. Nguy cơ đứa con lớn phải nghỉ học để đi làm phụ giúp với cha mẹ mỗi lúc một gần.
Vài tháng nay, cha xứ nhờ anh tưới cây cảnh trong khuôn viên nhà thờ, nhà xứ và trả công cho anh khá cao. Giáo dân thấy vậy, người nói ra kẻ bàn vào:
-   Nhờ người giúp việc thì tìm người khỏe mạnh, ai lại thuê bệnh nhân!
-   Những người như vậy chỉ lợi dụng lòng tốt của các cha, chứ làm được việc gì!
-  Việc chăm sóc mấy cây cảnh có gì khó, sao không nhờ các đoàn thể làm, tội gì thuê mướn cho tốn tiền!
Người hiểu biết hơn thì giải thích:
-  Những người nghèo thường dễ mặc cảm, Cha xứ mình làm thế thật tế nhị vì tỏ lòng quí trọng họ.
Vài người thuật lại cho Cha xứ những lời cộng đoàn bàn tán, ngài im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng nói thêm vào: “thế à!” mà không giải thích hoặc thanh minh về việc thuê mướn kia. 
Giữa bóng tối dầy đặc, người ta vẫn thấy những đốm sáng, dù đó chỉ là ánh sáng lập lòe phát ra từ chú đom đóm bay trong đêm. Giữa đám mây đen của ích kỷ, ganh tị và hận thù, mọi người đều nhận ra những việc làm thể hiện lòng bao dung, nhân từ và hy sinh phục vụ. Nếu mỗi Kitô hữu tỏa sáng lòng nhân ái, chắc chắn gia đình, cộng đoàn cũng như xã hội sẽ bớt đi bóng tối của ghen tương và đố kỵ; khi ấy mọi người sẽ thấy niềm vui của sự liên đới và tình huynh đệ ngự trị nhiều nơi trong thế giới này.
Lm.Mt
Cầu nguyện:
Xin cho chúng ta biết loại trừ tính ganh tị khỏi tâm trí, lời nói và hành động; đồng thời, biết nuôi dưỡng lòng nhân hậu nơi tâm hồn và thể hiện trong cách đối xử với tha nhân, để mọi người được sống trong tình yêu thương và nên nhân chứng cho Đấng nhân hậu và tốt lành.
Lẽ sống:
Vị thánh là ai?

Ngày kia một em bé được theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai người phải đi qua một thánh đường nguy nga, to lớn. Em bé ngước mắt nhìn thánh đường, chợt em giơ tay chỉ cho mẹ và nói: "Mẹ xem kìa, những cửa kiếng màu bị đóng đầy bụi, xem thật dơ bẩn và không đẹp tí nào".

Bà mẹ không nói không rằng về nhận xét của con, nhưng tiếp tục nắm lấy tay dẫn em tiến vào bên trong nhà thờ. Tại đây, những cửa kiếng bên ngoài xem ra dơ bẩn, xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc lộng lẫy.

Em bé ngạc nhiên mở to đôi mắt nhìn những cửa kiếng màu diễn tả nhiều hình ảnh đẹp mắt. Bỗng mắt em dừng lại ở cửa kiếng sau bàn thờ diễn tả hình của bốn thánh sử viết Phúc Âm trong lúc ánh mặt trời đang chiếu rọi qua. Em bé hỏi mẹ đó là những thánh nào và được mẹ giải thích vắn tắt về từng vị thánh.

Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ giáo lý viên hỏi các em: "Này, trong các em có ai trả lời được: một vị thánh là ai?" Trước một câu hỏi có vẻ không có ý nghĩa, cả lớp giáo lý thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào bên trong nhà thờ để nhìn ngắm các cửa kiếng giơ tay xin trả lời. Em nói: "Vị thánh là một người để cho ánh sáng mặt trời chiếu thấu qua". 
Kinh nghiệm và câu trả lời của em bé trên có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời của thánh Matthêu, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, trước và sau khi được Ðức Giêsu kêu gọi, như được chính thánh nhân vắn tắt thuật lại như sau: Ði khỏi đấy, Ðức Giêsu thấy một người ngồi ở bàn thâu thuế, tên là Matthêu. Chúa bảo ông rằng: "Hãy theo Ta". Ông Matthêu liền đứng dậy và đi theo Chúa.

Một tiếng gọi và một hành động đáp trả được diễn tả vắn gọn trong những dòng trên đây có thể nói được chỉ là bề mặt của trận chiến nội tâm diễn ra từ lâu nơi ông Matthêu. Một trận chiến giằng co để suy tính thiệt hơn, để cân nhắc cái lợi và cái bất lợi, để đắn đo nhưng cái mình phải mất với những cái mình sẽ đạt được, khi ông bỏ mọi sự để theo Chúa:
- Ông phải mất một nghề hái ra bạc nhưng tìm được một số mệnh và sứ mệnh thật sự có giá trị vĩnh viễn.
- Ông phải mất một gia tài to lớn nhưng tìm lại được danh dự.
- Ông phải mất sự bảo đảm xây dựng trên của cải vật chất để đi theo Ðức Giêsu trong một cuộc hành trình dẫn đến sự sống mà trước đó ông chưa bao giờ mơ ước.

Về phần Ðức Giêsu, khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Ðức Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét