Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Lời Chúa: thứ Bảy XXII Thường Niên Năm A. 06.9.2014

Phúc Âm: Lc 6,1-5
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói : “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ?”
 3 Đức Giê-su trả lời : “Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Câu chuyện ấy, các ông chưa đọc sao ?” 5 Rồi Người nói : “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc môn đệ Đức Giêsu bứt lúa và ăn trong ngày Sabát. Thời điểm này vào khoảng tháng tư trong năm và rơi vào cuối mùa hạ.

Câu chuyện những người Biệt phái hôm nay lên tiếng khiển trách thầy trò đã đến mức căng thẳng. Họ cảnh cáo Đức Giêsu và các môn đệ không giữ Luật. Lý do:

1) Một là đi qua đồng lúa, tức vi phạm luật chỉ được đi 100 mét ngoài thành vào ngày hưu lễ;

2) Hai là bứt lúa rồi chà trấu trong tay để ăn, một hành vi tương đương với viêc gặt lúa, vậy là vi phạm luật cấm việc xác.

Khi cảnh cáo như thế, ngầm hiểu rằng họ đã ra "tối hậu thư" cho Thầy trò Đức Giêsu, nếu còn vi phạm thì sự việc sẽ bị coi là cố tình trước mặt các nhân chứng và đáng chịu tử hình, vì coi thường ngày hưu lễ.

Đáp lại, Đức Giêsu đã lật ngược vấn đề và đặt ra cho họ câu hỏi: "Các ông chưa đọc điều Ðavít đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Hay như các tư tế trong đền thờ. Khi hưu lễ trùng với một đại lễ, các tư tế và các phụ tá phục dịch phải giết chiên nhiều hơn, thế mà vẫn không bị buộc tội vi phạm hưu lễ!

Khi nói như thế, Đức Giêsu mặc khải cho họ rằng: Ngài chính là đền thờ mới, là Con Thiên Chúa, có một quyền bính tự Trời ban cho. Vì thế, Ngài đến để lập lại trật tự nguyên thủy của Lề luật. Lề luật không thể có vai trò tuyệt đối. Nó chỉ được lập ra vì con người, chứ không được trở thành gánh nặng áp bức con người. Ngài đến với tư cách là Chủ của Lề Luật, có quyền ngang với Thiên Chúa, để hoàn chỉnh Lề Luật hoặc sửa đổi nó, một khi không còn thích hợp với ý định của Thiên Chúa là Đấng lập pháp và không còn giúp thăng tiến con người nữa.
Sống Lời Chúa:
+ Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy giải thoát khỏi tâm trí chúng ta một thứ ý thức hệ vụ hình thức, chuộng cơ cấu, cứng nhắc làm tê liệt tình yêu đối với Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Nếu cứ bám vào Luật thuần túy, hẳn không thể có một trái tim biết yêu thương nhạy bén với ơn Chúa và sứ vụ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống cốt lõi của Luật. Biết dùng Luật như là phương tiện để giúp nhau sống tốt hơn chứ không phải dùng Luật để cưỡng ép nhau.

Lẽ sống:
Không mong đền đáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
     Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là người thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
     Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
     Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
     Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".
     Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.
     Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
     Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.
     
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
     Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...
     Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng. Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét