Thánh Catarina Xiêna, trinh
nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Thánh nữ sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên
thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, khát khao chiêm ngưỡng Chúa
Kitô chịu đóng đinh, và phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã
gia nhập Dòng Ba Đaminh. Thấm nhuần tinh thần của thánh Đaminh, chị yêu mến
Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các
thành của nước Italia, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Đức Giáo
Hoàng và canh tân đời sống đạo đức. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm đạo lý và
tu đức. Chị qua đời năm 1380. Ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII
tuyên phong chị làm bổn mạng nước Italia.
Và ngày 04 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên
phong cho chị là tiến sĩ Hội Thánh.
PHÚC ÂM: Ga 15,12-17
“Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy
yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an
12 Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em
thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,
vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả
những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa
trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa
Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương
nhau.
Suy niệm:
Yêu thương
và phục vụ
Hôm qua, lời
Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta
phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.
Hôm nay, Đức
Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của
Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm
chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng
ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu
nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Tình yêu của
Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của
mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời
mình cho người khác.
Chúng ta có thể
thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử
thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến
chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh
sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc
riêng tư.
Tới ngày đó,
chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều
còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh
của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.
Trong Thánh lễ tạ
ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những
cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của
Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Điều Chúa kêu gọi chúng ta, dễ mà khó. Dễ
hiểu, nhưng khó thực hiện. Ai trong chúng ta mà chẳng biết thương yêu. Nhưng
yêu thương như Chúa yêu thì quả là điều không tưởng. Chính Chúa Giê-su cũng đã
thực hiện điều chúng ta không thể tưởng tượng được. Mời bạn làm những gì bạn có
thể để theo gương Ngài. Một mình bạn, khó đấy; nhưng với Ngài, đầy hy vọng.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con, coi chúng con như bạn hữu và hy sinh
cả mạng sống vì chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương tình yêu vô vị lợi,
sẵn sàng tự hiến vì tình yêu mến với Chúa Cha và con người.
Lẽ sống:
Chúc lành của người cha
Ðức Hồng Y Cardin,
vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: "Tôi là
con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ
cha tôi". Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng
những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi
tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống
nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn
mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: "Thưa
ba, con có thể tiếp tục học không?". Cha tôi trả lời: "Con ơi, ở tuổi
con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn".
Tôi lấy hết can
đảm để thuyết phục cha tôi: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn
tở thành linh mục".
Bình thường cha
tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết
ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má... Và đôi tay của
mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối cùng, khi
làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết:
"Ba má đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba
má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh".
Mà quả thực, cha
mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn
trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn
tin cha tôi đau nặng.
Trên giường hấp
hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho
tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành
linh mục.
Sau khi vuốt mắt
người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới
công nhân.
Thiên Chúa muốn
gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một
khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường
học, là chỗ làm việc... Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung
cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có
những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt...
Thiên Chúa muốn
gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với
những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt
giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng...
Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu
linh mục và tu sĩ.
Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi
người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở... mọi người chúng ta đều có
trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những
người anh chị em của chúng ta.
Thánh Gioan
Bosco đã nói:
phần thưởng quan
trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người
con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con
cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay
cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét