Phúc Âm : Ga 14, 23-29
"Thánh Thần sẽ nhắc
nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
23 Đức Giê-su đáp : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ
giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại
với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em
nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang
khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân
danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều
Thầy đã nói với anh em.
27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an
của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến
cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ' Thầy ra đi và đến cùng anh em '.
Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa
Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự
việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
Suy
niệm:
Bình an và sự thật
Bình an là quà tặng mà
Chúa Phục sinh ban cho các tông đồ, ngay khi Người từ cõi chết sống lại. Bình
an cũng là quà tặng mà hôm nay, Chúa đang rộng tay ban phát cho những ai tuân
giữ Lời Người.
Trong
những ngày này, việc khám khá ra nguyên nhân làm cá biển chết hàng loạt ở miền
Trung khiến người dân phẫn nộ và thu hút sự quan tâm của báo giới. Thì ra công
ty Formosa (Đài Loan) bấy lâu nay vẫn ngấm ngầm hàng ngày xả một khối lượng nước
thải khổng lồ ra biển mà người dân không hề hay biết, đến khi "cháy nhà ra
mặt chuột" thì đại diện của công ty lại có những phát ngôn vô trách nhiệm,
đến mức coi thường và xúc phạm người Việt Nam, khiến dư luận dậy sóng.
Cũng
trong những ngày này, truyền thông nói nhiều đến thực phẩm bẩn. Đây là một quốc
nạn vì nó đang tồn tại trong cả nước, một "nhân tai" vì do con người
dã tâm gây nên, một "đại hoạ" vì chúng gây hậu quả là giết chết tương
lai của dân tộc. Những vụ việc được phanh phui chỉ là số nhỏ trong số những vụ
việc gian lận đang tiếp diễn trong cuộc sống của chúng ta. Đây vẫn còn là những
câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Những
tác hại nghiêm trọng trên đây được núp dưới nhãn mác "an toàn",
"bình an", nhưng đó là thứ bình an giả tạo. Trong một số lãnh vực,
người ta dùng chiêu bài bình an để che đậy những hành động thực chất là xấu xa,
thậm chí là ác độc. Cũng cần nêu bổ sung những động ăn chơi đồi truỵ trá hình,
những hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, những con sâu mọt tham nhũng làm
nghèo đất nước…
Trong
bối cảnh này, Lời Chúa nói với chúng ta về sự bình an đích thực.
Phụng
vụ hôm nay tiếp tục đưa chúng ta về với bầu khí linh thiêng của bữa Tiệc ly.
Khi chỉ còn một "số ít" những môn sinh của Chúa, Người uỷ lạo họ và hứa
ban bình an đích thực cho họ. Người nói rõ, bình an mà Người ban cho họ khác với
thứ bình an giả tạo, hoặc bình an vật chất mà con người vẫn ban tặng cho nhau.
Sự bình an này, các môn đệ đạt được khi thực thi tuân giữ Lời Chúa.
Sự
bình an đích thực là được Chúa ngự trong tâm hồn, nhờ đó, chúng ta được Chúa hướng
dẫn và soi sáng, để nhận thức được những việc mình làm là tốt hay xấu. Qua
lương tâm ngay thắng, Chúa vẫn hướng dẫn những suy nghĩ và hành động của chúng
ta. Nếu biết chấp nhận để Lời Chúa soi sáng, sự gian dối sẽ không còn.
Người
tín hữu tin có Chúa Thánh Thần hiện diện và soi sáng cuộc đời họ. Chúa Thánh Thần
là Đấng Bảo trợ, được Chúa Cha sai đến trần gian để giúp con người sống theo
Chân lý. Sống ở đời là cuộc chiến đấu trường kỳ để đoạn tuyệt với gian dối, chọn
lựa đứng về Sự thật và Ánh sáng. Chúa Thánh Thần cũng là linh hồn của Giáo Hội,
là Đấng liên kết mọi thành viên của Giáo Hội trong sự hợp nhất. Bài đọc I kể lại
một biến cố quan trọng trong lịch sử, đó là Công đồng đầu tiên của Kitô giáo,
được tổ chức tại Giêrusalem vào khoảng năm 46 sau Công nguyên. Các tông đồ đã ý
thức trách nhiệm của mình trước những ý kiến dư luận trái ngược nhau về những
thực hành trong Đạo Do Thái như cắt bì, ăn thịt cúng, tuân giữ Luật ông Môisen…
"Văn kiện" đúc kết của Công đồng rất đơn sơ, nhưng nêu rõ "Thánh
Thần và chúng tôi đã quyết định…".
Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn suốt
bề dày của lịch sử, giữa những thăng trầm thử thách. Vì vậy, nhưng phong ba bão
tố, kể cả quyền lực hoả ngục cũng không phá huỷ được.
Trong
một thị kiến, Thánh Gioan tông đồ đã thấy những hình ảnh về Giêrusalem (Bài đọc
II). Đây là một cách diễn tả hạnh phúc thiên đàng, ở đó, tình yêu, an bình và
chân lý sẽ ngự trị. Không còn gian dối và mưu mô. Không còn những toan tính vụ
lợi trần tục, nhưng tất cả đều được vinh quang Thiên Chúa bao trùm, trong một
nghi lễ phụng vụ thiên quốc, tràn đầy hạnh phúc và niềm vui. Những ai suốt đời
tận tuỵ trung thành tuân giữ Lời Chúa và gắn bó với Người, sẽ là những công dân
của Thành này.
Bình
an là quà tặng mà Chúa Phục sinh ban cho các tông đồ, ngay khi Người từ cõi chết
sống lại. Bình an cũng là quà tặng mà hôm nay, Chúa đang rộng tay ban phát cho
những ai tuân giữ Lời Người. Người tín hữu, sau khi nhận quà tặng của Chúa, được
mời gọi để trở nên những sứ giả đem bình an đến cho thời đại mình đang sống. Nếu
ý thức được như vậy, chúng ta sẽ góp phần đẩy lùi những hành động gian dối đanh
huỷ hoại tương lai của dân tộc chúng ta.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để
con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà
vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Lẽ sống:
Giuse trong xóm nhỏ điêu
tàn
"Giuse
trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có
lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca
trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca
khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng
như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày
thay đổi chế độ.
Lời
ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam.
Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ
hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt
Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng
lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong
cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị
thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người
thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những
người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong
cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín
ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng
trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth,
thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con
người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi
tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của
mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng
chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác
động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động
Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới
thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu
tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của
sự cần lao...
Ðối với người Kitô,
ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy
và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một
ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng
ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động
và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét