Phúc Âm : Ga 13,31-33a.34-35
“Anh em hãy yêu thương
nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói :
"Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi
Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng
sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh
em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với
người Do-thái : ' Nơi tôi đi, các người không thể đến được ', bây giờ, Thầy
cũng nói với anh em như vậy.
34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau
; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ
của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau."
Suy
niệm:
Như Thày đã yêu thương
Giới răn yêu thương mà
Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, không chỉ diễn tả cách đối xử với nhau,
nhưng còn có giá trị làm chứng cho giáo huấn của Người, để rồi nhờ đó mà những
người khác sẽ nhận biết họ là môn đệ của Chúa.
Sau
những nghi lễ long trọng có phần ồn ào náo nhiệt, hôm nay, Phụng vụ giúp chúng
ta lắng đọng tâm hồn trở về với bầu khí trang trọng của bữa tiệc ly để suy niệm
lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu. Người gọi các tông đồ là "các con
bé nhỏ của Thày". Tác giả Tin Mừng còn ghi chú thêm rằng những lời này được
nói sau khi Giuđa, kẻ phản bội đã ra khỏi phòng tiệc. "Các con bé nhỏ"
là những người trung tín, ở với Thầy mình vào lúc khó khăn nguy hiểm. Chúa
Giêsu căn dặn họ như một người thầy khuyên bảo các môn sinh trước lúc đi xa, vì
Người chỉ còn ở với các ông "một ít lâu nữa thôi". Điều Người truyền
lại cho các ông là giới răn yêu thương. Thực ra, yêu thương là cốt lõi giáo huấn
của Chúa, nhưng lời mời gọi yêu thương được nhắc lại trong bối cảnh tiệc ly có ý
nghĩa đặc biệt, vì tình yêu mà Chúa muốn các tông đồ thực hiện phải là tình yêu
giống như của Chúa, "như Thày đã yêu thương".
"Như
Thày đã yêu thương", đó là tiêu chí mà Đức Giêsu đã đề nghị cho hành động
yêu thương của các môn đệ. Chúng ta biết rằng, những lời di chúc này được nói với
các tông đồ liền sau khi Chúa rửa chân cho các ông. Chỉ một lát nữa, Người sẽ bị
bắt và bị lên án tử. Như vậy, yêu "Như thày đã yêu thương" có nghĩa
là hãy làm những gì Chúa đã làm, như một tấm gương cho các môn đệ noi theo bắt
chước. Chính Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ điều ấy: "Vậy nếu Thầy là
Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh
em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để
anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13 14-15).
Nếu
chúng ta được mời gọi yêu thương và thực thi lòng thương xót đối với nhau, là
vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô vừa cho xuất bản
một cuốn sách mang tựa đề "Danh Ngài là Thương Xót". Trong suốt bề
dày của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa tự
mạc khải Ngài là Đấng Thương Xót qua công trình sáng tạo, quan phòng và cứu chuộc.
Đức Thánh Cha viết: "Lòng Thương Xót sẽ luôn luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi
nào, không một ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa khoan dung
tuyệt đối. Chỉ cần nhìn lên Ngài, từ bản thể và những thương tích của mình, ngước
mắt hướng về Chúa, là chúng ta mở ra với ân sủng của Ngài".
Một
điều xem ra có vẻ nghịch lý trong Tin Mừng hôm nay, đó là vào lúc bi thảm trước
cuộc khổ hình, Chúa Giêsu lại nói đến vinh quang. Theo nhãn quan của tác giả,
vào lúc Chúa chịu treo trên thập giá, cũng là lúc Người được tôn vinh (x. Ga
12,23). Đây cũng là sự tôn vinh dành cho Chúa Cha, vì Chúa Cha được vinh hiển
qua mầu nhiệm thập giá và qua sự tuân phục của Chúa Con. Vì lẽ đó, thập giá vừa
diễn tả một cực hình, vừa diễn tả tâm tình yêu mến, vâng phục của Chúa Giêsu.
Vì lẽ đó mà thập giá, mặc dù là một dụng cụ khổ hình, vẫn được tôn vinh như biểu
tượng của tình thương Thiên Chúa, và là niềm hy vọng của những ai tin vào Chúa
Giêsu.
Giới
răn yêu thương mà Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, không chỉ diễn tả cách
đối xử với nhau, nhưng còn có giá trị làm chứng cho giáo huấn của Người, để rồi
nhờ đó mà những người khác sẽ nhận biết họ là môn đệ của Chúa. Nói cách khác,
thực hành yêu thương đồng nghĩa với việc loan báo Chúa Giêsu và quảng diễn giáo
huấn của Người. Loan truyền giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu đã trao cho các
môn đệ, đó là sứ mạng căn bản của Giáo Hội từ hai ngàn năm qua. Đây cũng là điều
làm nên nét khác biệt độc đáo giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Bởi lẽ cốt
lõi của Đạo là tình yêu thương. Vào thời kỳ Đạo Công giáo mới được loan báo tại
Việt Nam, những anh chị em lương dân đã gọi Đạo của chúng ta là "Đạo yêu
thương", thay vì dùng những danh từ khó hiểu như Kitô giáo, Đạo Thiên
Chúa… Tác giả sách Công vụ tông đồ đã ghi lại hành trình truyền giáo của Phaolô
và Barnabê với một loạt những địa danh khác nhau. Hai ông là những nhà truyền
giáo không biết mệt mỏi, mỗi khi lập các cộng đoàn mới, lại tiếp tục lên đường
đến với những vùng xa lạ để loan báo Đức Giêsu. Tình yêu mến đã gắn bó các tín
hữu, làm cho họ trở thành những cộng đoàn Giáo Hội.
Mọi
sự trên thế gian này sẽ qua đi, tiền bạc, danh vọng và địa vị đạo đời cũng chẳng
tồn tại. Điều còn lưu lại mãi mãi, đó là tình yêu. Tác giả sách Khải Huyền đã
được chiêm ngưỡng một thời tương lai huy hoàng mà ông gọi là "Trời mới Đất
mới". Lúc đó, chỉ có tình yêu viên mãn ngự trị. Đó cũng là vương quốc dành
cho những ai khi sống ở đời này đã chuyên tâm thực hành giới răn yêu thương mà
Chúa đã dạy.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương
con.
Lẽ sống:
Hạt Táo
Tại
một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp
thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được
nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau:
"Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt
giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà
cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại
cho hậu thế".
Nhà
vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu
diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong
triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề
ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mớico thể trồng được hạt giống này. Vì
đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".
Nhà
vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm
công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần
nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm
thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này". Nhà vua đảo mắt nhìn
quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều
đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống
như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi
người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn
tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm
hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên
thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
Lúc
bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các
ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy
mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã
hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức
ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...".
Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng
thích cho người ăn trộm.
Lời cầu chúc "bình
an" của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng
ta. hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu
mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của
Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết
chấp nhận chính bản thân và sãn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận
ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ
cho người. Và có cư sử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm
trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét