Thánh Ađalbertô, giám mục, tử đạo
PHÚC ÂM: Ga 14,7-14
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ,
anh em biết Người và đã thấy Người."
8 Ông Phi-líp-phê nói : "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy
Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." 9 Đức Giê-su trả lời : "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh
Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại
nói : ' Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ' ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha
và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình
nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của
mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở
trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào
Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những
việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà
xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều
gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
Suy niệm:
Thương
xót như Chúa Cha
Truyện cổ Nhật Bản kể có đôi vợ chồng rất
yêu thương nhau, họ sinh được một cô con gái hiền dịu và xinh đẹp giống mẹ như đúc.
Một ngày người mẹ qua đời và trao lại cho con gái một chiếc gương soi với lời dặn
“Khi soi gương con sẽ nhìn thấy mẹ và mẹ sẽ phù hộ con”. Hằng ngày cô gái cố gắng
làm việc tốt và nói chuyện với mẹ trong gương: “Hôm nay con đã làm được điều tốt
như mẹ mong muốn”. Khi nói “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, Đức Giê-su cho thấy
mình chính là khuôn mặt của Chúa Cha. Như mở đầu Tông chiếu Năm thánh về Lòng
Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha…
Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su thành
Na-da-rét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài.”
Sống Lời Chúa:
Nhận biết Thiên Chúa chính là nhận ra Lòng
Thương Xót của Chúa Cha nơi con người Giê-su “qua lời nói, hành động và toàn bộ
con người của Ngài.” Bạn được mời gọi chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Giê-su để có
tâm tình và hành động xót thương như Chúa. Đó là động lực của đời sống đức tin
và nền tảng của Giáo hội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thần Khí thánh hiến con, để
giúp con cảm nghiệm được Lòng Thương xót của Chúa và biết sống Lòng Thương Xót ấy
nơi những người chúng con gặp gỡ.
Lẽ sống:
Bữa ăn thiên đàng và hỏa ngục
Một ký giả kia
được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống
của nhân dân tại đó.
Sau một cuộc
hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào
bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị
đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.
Nhưng lúc các kiều
dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm
o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan
biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc
dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng
thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất.
Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa
thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một
bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ
dày vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi,
chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng.
Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng.
Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay
họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng
đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau.
Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.
Kết thúc bài
phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ
và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa
phán với hai ông bà nguyên tổ: "Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy
trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh
vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống
có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho
các ngươi".
Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc
trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia
mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị
đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người
đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn
nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn,
manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên
đàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét