PHÚC ÂM: Mc 16,9-15
"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng". (Mc
16,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co.
9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức
Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho
khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn
bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn
không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình
dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về
quê. 13 Họ trở về báo tin
cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười
Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng
lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người
trỗi dậy. 15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Suy niệm:
Những lần hiện ra
Ðoạn Tin Mừng
hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại.
Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng
từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh.
Chúa Giêsu Phục
Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một
người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn;
với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các
môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức
khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một
bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua,
chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng
tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không
biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một
chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng
PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng
đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống
mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng
hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của
cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì
trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi
người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó
là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và
huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh
Tomas "Phúc
cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được
thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy
thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ
là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết
phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện
ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus
mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và
trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu
không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo Hội là thân
thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể
ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo
Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa
Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu
nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và
của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối
dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa
hôm nay cho chúng ta thấy: Mỗi người đều được Chúa tin tưởng và yêu thương để
trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài cho muôn dân. Tuy nhiên, muốn rao giảng
về Chúa cho mạnh mẽ thì người rao giảng phải là người xác tín mạnh mẽ như Maria
Mácđala, hai môn đệ ở Emmau và các tông đồ.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho Tin Mừng phục sinh của Chúa luôn được chúng con loan báo đến
tận chân trời góc bể. Nhưng tiên vàn, xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ
điệp Phục Sinh cho mọi người.
Lẽ sống:
Ve sầu kêu ve ve
"Ve sầu kêu
ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên đây là bốn
câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn
"Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng
ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện
và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học
thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3
năm. loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng
sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống
đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn
cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một
tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp
lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt
đất để bám chặt vào, rồi lột vỏ, biến thành con ve với hai cánh dài để bay...
Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ
để làm một công tác duy nhất là đẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của
con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp
con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp
ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa
Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt.
Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất
cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào
cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta
chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta
sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của
chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi
luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới.
Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm
sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi
vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng
ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống
cho nhiều người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét