Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM C - 03.04.2016

CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc Âm : Ga 20, 19-31
Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !" (Ga 20,19)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."  22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." 
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp : "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em." 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" 29 Đức Giê-su bảo : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !" 
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm:
Giáo Hội: cộng đoàn nhân chứng cho Đấng Phục Sinh

Tác giả sách Công vụ tông đồ diễn tả với chúng ta Giáo Hội như một cộng đoàn nhân chứng cho Đấng Phục sinh (Bài đọc I). Cộng đoàn ấy không còn phân biệt người Do Thái hay dân ngoại, nhưng giang rộng vòng tay đón nhận tất cả những ai thành tâm thiện chí tin vào Đức Giêsu.
    Nếu trong thời gian Đức Giêsu còn tại thế, cộng đoàn tín hữu chỉ thu hẹp nơi những ai theo Người để nghe Người giảng dạy, thì sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, cộng đoàn ấy đã trở nên mạnh mẽ, đông đảo hơn nhiều. Tác giả sách Công vụ tông đồ diễn tả với chúng ta Giáo Hội như một cộng đoàn nhân chứng cho Đấng Phục sinh (Bài đọc I). Cộng đoàn ấy không còn phân biệt người Do Thái hay dân ngoại, nhưng giang rộng vòng tay đón nhận tất cả những ai thành tâm thiện chí tin vào Đức Giêsu. Số những người tin Chúa gia tăng ngày một đông đảo và họ chuyên tâm thờ phượng Chúa. Với sự kiện Đức Giêsu phục sinh, Giáo Hội bước sang một giai đoạn mới, như một mùa gặt bội thu.
Nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh, các tông đồ có thể làm phép lạ, như Chúa Giêsu khi Người còn ở trần gian. Toàn dân tuốn đến với các ngài, như trước đây họ tuốn đến với Chúa Giêsu để lắng nghe giáo huấn và xin làm phép lạ. Nhờ khả năng làm phép lạ, uy thế của các tông đồ ngày một tăng thêm. Các tông đồ cũng như mọi tín hữu, đều xác tín rằng, Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn và Người làm nên sức mạnh cũng như sự tăng trưởng của Giáo Hội. Thánh Gioan tông đồ, trong một thị kiến, đã thấy Chúa Giêsu, với lời tuyên bố: "Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời…" (Bài đọc II).   
Đối với một số người khác, vấn đề Đức Giêsu phục sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu cũng gây những tranh cãi và bất đồng ý kiến. Họ muốn được trực tiếp gặp gỡ Đức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại. Tiêu biểu cho những người có tư tưởng này là Tôma. Ông là một trong nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu chọn từ ban đầu. Vào ngày Chúa từ cõi chết sống lại hiện ra với các tông đồ, Tôma không có mặt ở đó. Nay ông muốn được kiểm chứng. Ông lên tiếng thách đố phải có những bằng chứng trực tiếp thì mới tin.
Thiên Chúa là Đấng quyền năng, nhưng thiêng liêng vô hình. Tin là chấp nhận Chúa hiện diện mặc dù không nhìn thấy bằng con mắt thể lý. Mà thực ra, khi đã kiểm chứng được bằng giác quan thì chẳng cần phải tin. Hai ngàn năm đã qua, rất nhiều người tin vào Đức Giêsu, và nhờ Đức tin mà họ nên hoàn thiện. Tuy vậy, cũng có những người không chấp nhận Đức Giêsu như đối tượng của niềm tin. Có thể họ chỉ coi Người như một nhân vật lịch sử, đã sinh ra và đã chết đi như biết bao vĩ nhân khác. Khi hiện ra với các tông đồ và có mặt ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã đáp ứng những thách thức của Tôma: "Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thày. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thày. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". Tôma đã đạt được điều ông thách thức, nhưng ông không dám kiểm chứng trực tiếp như mong muốn trước đó, kể cả khi có lời gợi ý của Thày mình. Ông chỉ còn biết quỳ gối xuống mà tuyên xưng Đức tin, tôn nhận Người là Chúa và là Thiên Chúa. Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình.
Bầu khí sôi động tưng bừng của lễ Phục Sinh đang dần khép lại. Mọi sinh hoạt của các cộng đoàn tín hữu đang trở lại với nhịp sống bình thường. Sứ điệp của Lễ Phục Sinh có nguy cơ bị coi nhẹ, thậm chí quên lãng nơi nhiều người. Ý thức Đức Giêsu phục sinh đang hiện diện nơi cộng đoàn, mỗi tín hữu hãy mở lòng đón nhận Người và thay đổi cuộc sống, nhờ đó thực sự được sống lại với Đức Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh cử hành tại Rôma tối 26-3-2016, đã mời gọi các tín hữu “Hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta cho Chúa Giêsu bước vào”. Người Kitô hữu, khi tham dự Lễ Phục sinh, phải để cho ân sủng của Chúa biến đổi cuộc đời. Nơi mỗi cá nhân có những ngôi mộ đóng kín. Đó là sự ích kỷ, giận hờn và mâu thuẫn đối với những chị em xung quanh. Đức Thánh Cha diễn giải thêm: "Chúng ta cũng vậy, cũng như Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể có được sự sống khi cứ mãi buồn phiền, thất vọng, và trở thành tù nhân của chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta ra cho Chúa – mỗi người chúng ta đều biết những nấm mộ ấy là gì–, để cho Chúa Giêsu bước vào và ban cho chúng ta sự sống; hãy dâng cho Người những viên đá hận thù và quá khứ của chúng ta, những tảng đá nặng nề của những yếu đuối và vấp ngã. Người muốn đến và đưa tay cho chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi mối lo lắng. Nhưng tảng đá đầu tiên phải lăn ra trong đêm nay là sự thiếu niềm hy vọng vốn nhốt kín chúng ta vào chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy khủng khiếp của những Kitô hữu không có niềm hy vọng, sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể các vấn đề của chúng ta là trung tâm của đời sống".“Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chúa Giêsu Phục Sinh đang nói với tôi, với bạn và với mọi tín hữu hôm nay. Xin cho chúng ta có niềm tín thác tuyệt đối nơi Chúa, một niềm tín thác không cần bằng chứng, nhưng nhờ cảm nhận bằng trái tim chân thành, nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên những chứng nhân của Chúa Phục Sinh giữa lòng thế giới.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, dù cuộc đời con có tăm tối, hay trống rỗng; dù đời con có thất bại nặng nề, muộn phiền hay lo âu, xin cho con luôn vững tin nơi Chúa, để nhìn thấy Chúa đang hiện diện bên cạnh và nâng đỡ con.

Lẽ sống:
Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương...
Theo tục truyền, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra một người con gọi là Lộc Tục. Sau, Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ranh giới nước Xích Quỷ lúc bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (tức Hồ Nam), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Ðông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (Tức là năm 2879 trước Tây Lịch) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, gọi là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, sáng lập ra nước Việt Nam sau này...
"Vật đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương".
Hai câu thơ khuyết danh này như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức của tổ tiên. Ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, chúng ta không biết là ngày húy nhật của vua Hùng Vương nào, chỉ biết rằng người xưa đã biết chọn một ngày để con cháu về sau muôn đời có dịp tụ họp nhau lại mà nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công đức của người đã sáng lập ra dòng họ, nhất là sáng lập ra quốc gia.
Cách đây vài năm, tổng thống Rigan của Hoa Kỳ đã về thăm Ái Nhĩ Lan. Ông muốn nói lên mối dây liên kết giữa ông, những người da trắng đang sinh sống tại Bắc Mỹ và tổ tiên của họ... Là người, ai cũng thấy cần có một tổ quốc, một quê hương trong đó cả một dòng giống được phát sinh và liên kết với nhau.
Cũng như tất cả những người tha hương, những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương của họ. Quê hương là một cái gì vô cùng cao quý và thiêng liêng mà chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm thấy luyến nhớ. Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất, một phong cảnh, một dòng sông... Nói đến quê hương là nói đến những người cùng bởi một ông tổ mà ra, những người cùng nói chung một thứ tiếng, những người có cùng một màu da, hay nói như người Việt Nam chúng ta, những người đồng bào, nghĩa là những người cùng chung một cái bọc mà sinh ra... Ðó là ý nghĩa của huyền thoại 100 cái trứng, trong câu chuyện lập quốc của chúng ta.
Nhưng những người công giáo không chỉ ý thức về tình máu mủ ruột thịt của những người cùng một dân tộc, họ còn có một gia đình rộng rãi hơn: đó là gia đình nhân loại.
Nhà vô thần Voltaire đã nói: nếu Thiên Chúa không có thì chúng ta phải tạo ra Ngài... Vì sao thế? Thưa, để cuộc đời chúng ta có một ý nghĩa, để chúng ta biết chúng ta có chung một người Cha, và tất cả mọi người, dù không đồng một ngôn ngữ, dù không đồng một màu da, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Và kết luận tất yếu của chân lý đó là: chúng ta phải thương yêu nhau.
Người trong cùng một nước, có cùng một ông tổ phải thương yêu nhau vượt lên trên tất cả mọi khác biệt về địa lý, về tôn giáo, về quan điểm chính trị.
Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương mà chúng ta cử hành hằng năm. Ngày giỗ tổ ấy cũng còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn nhận mọi người đều là con cái Chúa và đều là anh em với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét