Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Lời Chúa: Thứ Hai 18.04.2016 TUẦN IV PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Ga 10,1-10
“Thật, tôi bảo thật  các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.” (Ga 10,1)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
"Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ." 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói : "Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Suy niệm:
Thập giá – căn cước Kito hữu

Các kitô hữu bị bách hại thời đế quốc Rôma đã dùng dấu hiệu con cá để nhận diện nhau. Những ai không biết mật hiệu ấy ắt hẳn không thuộc cộng đoàn mà có thể là “kẻ trộm, kẻ cướp.” Ngày nay, các nhân viên khi đến cơ quan làm việc phải xuất trình thẻ căn cước để xác nhận mình thuộc về công ty, chứ không phải là kẻ gian phi đến để phá hoại. Căn cước một người thuộc về Đức Ki-tô không nằm ở tấm thẻ bên ngoài mà ở chính cuộc sống của họ được đóng dấu ấn thập giá, khi họ đi qua cánh cửa là Đức Ki-tô, đó là dấu ấn của người mục tử đích thực “liều mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Sống Lời Chúa:
Giữa lòng thế giới hôm nay, trước những quan niệm thế tục về cuộc sống con người; thay vì Thiên Chúa, người ta tôn thờ tiền bạc, quyền lực, lạc thú; nhiều lúc chúng ta cũng đã hoang mang, có khi chao đảo: Đâu là dấu hiệu thuộc về Đức Kitô một cách đích thực? Phải chăng lắm khi bạn đang để “kẻ trộm, kẻ cướp” là những gì không mang dấu ấn thập giá của Đức Kitô đột nhập vào cuộc sống của bạn, của gia đình, cộng đoàn bạn? Bạn nhớ, dấu ấn kitô hữu chính là thập giá Chúa Kitô.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để cho mọi người được sống và sống dồi dào. Xin cho con biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa, và để cho Lời Chúa dẫn dắt cuộc đời con.

Lẽ sống:
Ðôi tay cầu nguyện

Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu nguyện".
Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữa.
Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: "Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn".
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.
Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội lỗi... Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài.
Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tới.
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời.
Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời.
Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét