LỄ TRUYỀN TIN - Lễ Trọng
PHÚC ÂM: Lc 1,26-38
“Thưa bà Ma-ri-a, xin bà đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa,
này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” (Lc
1,30-31)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì
Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se,
thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói :
"Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời
chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : "Thưa bà Ma-ri-a, xin
đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,
và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa
là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và
triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : "Việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !"
35 Sứ thần đáp : "Thánh Thần sẽ ngự
xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng
Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy
già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là
hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là
không thể làm được."
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : "Vâng, tôi
đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi
sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Khiêm nhường đón nhận
Ðọc Tam Quốc
Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang.
Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách
rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy
Trương Lương, ông sai bảo: "Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta". Trương
Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy.
không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần
nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: "Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta".
Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen:
"Thằng bé này dạy được đây". Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ
nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương
Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên
nghiệp đế vương.
Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần
nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Ðọc truyện
Trương Lương, tôi lại nhớ đến Ðức Mẹ. Thời Ðức Mẹ, ai cũng mong chờ Ðấng Cứu Thế,
nhưng chỉ mình Ðức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Ðức Mẹ, đó là do ơn
lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Ðức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.
Ðức Mẹ khiêm nhường
trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong
một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường
như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa. Ðức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử.
Trước mặt thiên sứ Gáp-ri-en, Ðức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù
thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Ðức Mẹ đến thăm bà chị họ
Ê-li-sa-bét. Vừa nghe Ðức Mẹ chào, bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen Ðức Mẹ là Mẹ
Thiên Chúa. Ðáp lại, Ðức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì
là do Thiên Chúa thương ban.
Vì khiêm nhường
nên Ðức Mẹ hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Ðức Mẹ đã có chương trình
riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Ðó là một chương trình tốt
đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Ðức Mẹ theo chương trình của Chúa, Ðức Mẹ
đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Ðức
Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình
riêng chỉ là bất toàn. Thánh Ý Thiên Chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm
khuyết.
Vì khiêm nhường
nên Ðức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa "Xin
vâng", Ðức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để
nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt
của người Do-thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Ðức Mẹ liều
lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên Chúa mãnh liệt đến thế nào.
Vì đã thưa
"xin vâng", nên Ðức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh Ý
Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo
nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Ðấng Cứu
Thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối,
hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Ðức Mẹ
vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Ðức Mẹ vẫn kiên trì
theo Chúa Giê-su trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân Thập Giá.
Thái độ khiêm tốn
chấp nhận của Ðức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng.
Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được
nhiều ân phúc. Ðức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Ðức Mẹ đã nhận
được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là
nguồn mạch mọi ân phúc.
Mùa chay là Mùa
đặc biệt nhắc nhở và giúp chúng ta "trở lại" đúng địa vị của con người
được tạo dựng theo họa hình của Thiên Chúa, đúng địa vị trong mọi tương hệ với
Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, với vũ trụ tạo thành là người
quản lý. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của
Thiên Chúa. Ta
hãy noi gương Ðức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm
nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa
trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay
Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường
tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.
Lạy Ðức Mẹ
Ma-ri-a, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của
Thiên Chúa.
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Sống Lời Chúa:
Sống một cuộc đời khiêm hạ, đơn sơ và ý thức
rõ thân phận nữ tỳ của mình, Đức Ma-ri-a không bao giờ ước mong, cũng chẳng
nghĩ mình sẽ được “diễm phúc hơn mọi người phụ nữ” như thế. Do đó, khi nghe lời
sứ thần chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”, Đức
Ma-ri-a đã thật sự ngạc nhiên và bối rối. Nhưng khi Mẹ nhận ra rằng tất cả “những
điều cao cả” ấy là hành động của “lòng thương xót Chúa dành cho những ai kính sợ
Người” thì sự bối rối ngạc nhiên của Mẹ đã mau chóng chuyển thành lời cảm tạ ngợi
khen: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (x. Lc
1,46-55).
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, vì lòng thương xót nhân loại mà Chúa đã trao ban Đức Giê-su cho
chúng con. Xin dạy chúng con luôn biết ngạc nhiên về lòng thương xót của Chúa để
cuộc đời chúng con thực là bài ca cảm tạ.
Lẽ sống:
Ðánh nhau bằng gậy gộc
Họa sĩ Goya, người
Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức tranh mô tả thân phận
con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực hiện trong thời nội
chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề: "Ðánh nhau bằng
gậy gộc".
Trong bức tranh,
Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một chiếc dùi
cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền trời
không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông bão
hay sắp sáng rỡ.
Thoạt nhìn qua
cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế
nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai người
nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn cát. Từng
cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.
Goya muốn cho
chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những
cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.Thế nhưng thay vì
giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào thú dữ: họ cắn xé
nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của danh
họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua.Thay vì giúp nhau để
ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại giành giật chém giết lẫn
nhau.
Bức tranh ấy có
lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống của
chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của
chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người
khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta.
Bức tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức
tranh của thân phận con người chúng ta. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa
tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn
nhau.
Một nhạc sĩ nào
đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một trong những
phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở
thành một người bạn.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn
vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại...
Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng giữa những người đang đằng đằng sát khí
muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét