Thứ Tư sau Chúa nhật V Mùa Chay LỄ TRUYỀN TIN - lễ trọng
PHÚC ÂM:
Lc 1,
26-38
"Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được
sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi
là Na-da-rét, 27
gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.
Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ
và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe
lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa
bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ
một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng
Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên
Người. 33
Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô
tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần
: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần
sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng
Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng
với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị
mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có
gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Mầu Nhiệm Nhập Thể
"Tình yêu"
là hai tiếng nói luôn ở
trên môi miệng và trong con tim của nhân loại, hai tiếng nói căn bản và thâm
sâu nhất của cuộc sống.
Sinh ra, lớn lên và chết đi, lúc nào con người
cũng mong đợi tình yêu.
Có tình yêu, con người hết là những viên đá
nằm lạnh lùng bên cạnh nhau trên một con đường, những thân cây vô tri vô giác mọc
lên trong một đám rừng hay những con vật đi ăn chung thỉnh thoảng cắn xé nhau để
tranh miếng mồi ngon.
Tình yêu khiến con người không những sống gần nhau, mà còn đi vào cuộc đời
của nhau, chấp nhận chia sẻ từ miếng cơm manh áo cho đến tâm tình ý tưởng của
nhau, cùng vui, cùng khổ, cùng lao động, cùng phấn đấu và vươn lên thoát khỏi
nô lệ và vong thân trong xã hội. Tình
yêu là ánh sáng chiếu dọi, là sức nóng sưởi ấm giúp con người triển nở
trong hạnh phúc.
Tình yêu là động lực thúc đẩy con người đến với nhau, gắn bó với nhau, để
tất cả nên một: một lòng, một trí, một ý chí, một cuộc đời.
Thánh Kinh luôn khẳng định Thiên Chúa thương
yêu con người cách đặc biệt. Tình yêu ấy khiến Thiên Chúa đến với con người, trước
khi con người đến gặp Thiên Chúa.
Tình yêu được biểu lộ trong lịch sử, biến lịch
sử thành môi trường cứu độ, nơi gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa.
Những chương đầu của sách Sáng thế cho thấy Yavê sống thân mật với con người,
ngay từ khi con người được tạo dựng. Ngài đi dạo mát với con người trong vườn Eđen,
Ngài chăm sóc sức khỏe và đời sống của con người. Ngài cho con người hưởng các
hoa quả, cho con người một bạn đường. Ngài đối thoại thân mật với con người.
Sách Sáng thế còn cho thấy Ngài đến với con người qua dấu
hiệu của thời tiết. Nhưng đặc biệt Ngài đã đến viếng Abraham và ban cho ông lời
hứa. Ngài đã ký kết với Abraham một giao ước tình yêu và nhất quyết thi hành
Giao ước đó. Ngài để ý đến nỗi khổ của ông: tuổi đã già mà không có con nối dõi
tông đường. Ngài đã cho ông một mưu duệ lớn gấp trăm ngàn lần mong muốn.
Khi con cháu Abraham chịu khổ cực và bị áp
bức trong nước Aicập ngoại bang, Ngài đã đến để giải phóng họ và Ngài muốn chọn
Maisen - một người có lòng yêu nước nồng nàn - Ngài đã gọi Maisen lúc ông bị đuổi
bắt và chạy trốn vào sa mạc, vì đã giết chết một người ngoại bang để bênh vực
cho kẻ đồng hương.
Với Maisen, Thiên Chúa cũng đã ký kết một
giao ước và từ đó thiết lập một dân riêng làm chứng cho Ngài giữa muôn nước.
Trong sa mạc, Thiên Chúa luôn hiện diện.
Hòm bia thánh là dấu hiệu sự gần gũi: ở giữa và ở gần kề. Qua đám mây và cột lửa,
chính Ngài hướng dẫn họ suốt cuộc hành trình.
Sự hiện diện của Chúa là sự hiện diện giải
phóng. Ngài cứu dân khỏi lầm than đau khổ và giúp họ chiến đấu với kẻ thù để sống
còn và tiến dần vào Ðất hứa.
Khi dân Chúa đã sống ổn định và thiết lập một
vương quốc bình an thịnh vượng, Chúa vẫn hiện diện và bảo đảm cho sự trường tồn
và hạnh phúc của họ. Ðavít muốn xây cho Chúa một đền thờ, nhưng Ngài muốn hiện
diện ở giữa lòng dân. Qua lời sấm Nathan, Ngài chưa bao giờ có ý nghĩ đòi dân xây cho
mình một đền thờ bằng gạch đá như các thần minh của dân ngoại. Chính dân là đền
thờ Ngài ngự. Và Ðền thờ đó do Ngài xây dựng, chứ không phải do tay con người
làm nên. Chính Chúa tạo ra một Ðền thờ đích thực; đó là dòng dõi, là con cháu
Ðavít; và qua những con người sống thực thuộc dòng dõi ông, Ngài sẽ hiện diện
trong lịch sử loài người.
Với Ðavít và miêu duệ ông, Thiên Chúa càng
ngày càng gần gũi với nhân loại. Ngài tác động trên lịch sử loài người và đặc
biệt trong lịch sử dân riêng Ngài. Ngài hướng dẫn và thanh luyện dân Ngài qua những biến cố đau
thương như thất trận, lưu đày... Ngài răn bảo và thúc giục... đôi khi Ngài phẫn
nộ - nhưng Ngài cũng an ủi vỗ về và hứa hẹn một thời kỳ vui mừng tràn lan ơn cứu
độ. Dụng cụ Chúa thường dùng chính là "lời nói" và "cuộc sống"
các tiên tri.
Ngài thương dân như cha yêu thương con cái, như mẹ bế bồng nâng
niu, như mục tử chăm sóc đoàn chiên.
Nhưng Thiên Chúa như chưa bằng lòng với những
gì Ngài đã làm cho dân. Ngài muốn đến cư ngụ với dân, không chỉ như một thần
linh vô hình, nhưng chấp nhận hoàn toàn thân phận con người và chia sẻ trọn vẹn
kiếp sống của nó. Thiên Chúa trở thành Người như mọi người. Ngài bị ràng buộc bởi thời gian
và không gian. Ngài sẵn sàng đón nhận những khắc khoải lo âu của cuộc sống.
Ngài cũng ăn, uống, lao động, phấn đấu cho đời sống vật chất như mọi người.
Ngài cũng vui, cười và than khóc như những ai khác. Ngài chấp nhận mọi giới hạn
và ngay cả cái chết là giới hạn sau cùng và quan trọng nhất của con người.
Giêsu, con của Maria và Giuse thuộc dòng
dõi Ðavít là chính Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Nhưng Ngài cũng là con
của trần thế, con của một dân tộc, con của người Trinh nữ nghèo nàn sống ở
Nadarét.
Ðó là khía cạnh huyền diệu nhất của mầu nhiệm
Nhập thể! Chúa muốn làm con của trần thế, để ta nhận ra gương mặt đích thực của
Ngài, một tình thương thực tế không viễn vông, không lý thuyết Ngài không là
"kẻ thuộc thế giới xa lạ". Theo Ngài không phải để đi về thế giới ảo
tưởng nào khác, nhưng để sống tình yêu chân thật.
Maria thụ thai Ðức Giêsu là nhân loại thụ
thai Ðức Giêsu! Maria hạ sinh Ðức Giêsu là nhân loại hạ sinh Ngài. Bài Phúc Âm
Luca 1, 26-38 ví Maria như thiếu nữ Sion, nghĩa là Israel dân Chúa. Thiên Thần
kêu mời Maria hãy vui lên vì sắp sinh quý tử. Ðó cũng là lời loan báo niềm vui
cho nhân loại: chính từ nhân loại mà phát sinh một con người toàn thiện xứng đáng
làm Trưởng tử giữa muôn loài.
Mầu nhiệm Nhập thể là tột đỉnh của sự gặp gỡ giữa con người và
Thiên Chúa: Thiên Chúa đến viếng thăm
dân Người khiến từ lòng dân nảy sinh Ðấng Cứu độ. Chồi cây Giêsê do Thiên Chúa
vun trồng đã nở hoa.
Ðức Giêsu là bí tích, là dấu hiệu, là điểm gặp gỡ giữa con người với
Thiên Chúa. Ðức Giêsu là nơi hội tụ của tình thương giữa Thiên Chúa và dân Người:
Ngài vừa là lời mời gọi của Thiên Chúa, vừa là tiếng đáp trả của nhân loại.
Phúc Âm cho thấy Ðức Giêsu là một con người
cụ thể, với những nét đặc thù và sống động. Nhưng Ðức Giêsu còn là Con của Chúa
Cha. Từ lúc sinh ra cho đến khi chết, mọi hoạt động của Ngài đều do Thánh Thần
của Chúa Cha thúc đẩy. Lc 1,35 nhấn mạnh đến sự can thiệp của Thánh Linh : "Thánh Thần sẽ đến trên Cô và quyền năng Ðấng Tối cao
trên Cô rợp bóng".
Thánh Thần Thiên Chúa đã hoạt động trong lịch
sử trước ngày Ðức Giêsu sinh ra. Nhưng Ngài đặc biệt hiện diện trong cuộc đời
Giêsu. Và nhờ quyền năng Thiên Chúa, Giêsu tuy phải chết như mọi người, đã sống
lại và chiến thắng sự chết, báo hiệu "phần số" tốt đẹp Thiên Chúa
dành cho nhân loại.
Ðức Giêsu sống lại được
Chúa Cha ban trọn vẹn Thánh Linh và chính nhờ Thánh Linh mà Ðức Giêsu hiện diện
giữa dân Ngài "mọi ngày cho đến tận thế".
Nhờ Thánh Linh Ðức Giêsu vẫn ở giữa loài người,
không phải chỉ cách đây hai ngàn năm, mà Ngài vẫn hiện diện, vẫn sống giữa nhân
loại hôm nay. Giáo hội là nơi Ngài hiện diện bằng chính những hoạt động không
ngừng của Thánh Linh Ngài ban. Ngài vẫn tiếp tục hiện diện qua các sự kiện lịch
sử và các biến cố. Ta có thể gặp Ngài và phải tìm Ngài trong đó. Ngài ra đi trở
về cùng Cha, không phải để rời bỏ trần thế, nhưng để dễ dàng đồng hóa mình với
mọi người sinh ra trong lịch sử, đặc biệt với những người bé mọn, những người đói
khát, những kẻ tù đày... Matthêô cũng như Luca cho thấy sự hiện diện của Ðức
Kitô phục sinh và lên trời trở thành hữu hình trong người anh em: "Ta đói, các ngươi
cho ăn, Ta khát, các ngươi cho uốn, Ta là khách trọ các ngươi tiếp rước, Ta
mình trần các ngươi cho mặc, Ta đau yếu các ngươi viếng thăm, Ta ở tù các ngươi
đến với Ta" (Mt 25,35-36).
Ðức Kitô vẫn luôn ở giữa chúng ta. Chúng ta
sẽ nhận ra Ngài khi cử hành nghi lễ bẻ bánh, khi lắng nghe lời Ngài, khi thao
thức tìm Ngài trong các dấu chỉ của thời đại. Chúng ta sẽ tìm được Ngài khi
nhìn vào những người anh em sống gần kề ta. Ngài ở cạnh ta, cùng xây dựng xã hội
và môi trường với ta. Với Ngài, ta sẽ góp công biến đổi trần thế thành Ðất mới,
Trời mới, thực hiện lời thánh Phaolô: "Tất cả thuộc về anh em, anh em thuộc về Ðức Kitô, Ðức
Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Sống Lời Chúa:
Bạn có lúng túng khi đón nhận một tin, một
ý kiến khác với quan điểm của mình chưa, nhất là khi ý kiến đó mang đầy tính
tích cực và thuyết phục? Và bạn đã xử trí như thế nào? Vui lòng đón nhận hay biện
minh, thoái thác?
Hãy biết bàn hỏi, cân nhắc trong những việc
hệ trọng của cuộc sống (chịu chức, khấn dòng, hôn phối, công việc làm ăn xa, một
hợp đồng tài chánh.v.v.v) để quyết định của mình không sai lầm, không gây hối
tiếc về sau.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Lạy Mẹ Maria, trong bài ca ‘Magnificat’, chính Mẹ đã nội tâm hóa biến cố truyền
tin theo suy nghĩ sâu lắng của cõi lòng. Mẹ đã thấu hiểu cưu mang Đấng Cứu Thế
chỉ là một phần của điều quan trọng hơn nhiều, đó là nhận biết Chúa hằng thương
xót. Xin giúp con hiểu được cuộc truyền tin của con, và cùng với Mẹ, ca ngợi
lòng thương xót Chúa trong mùa Chay Năm Thánh Mừng Kim Khánh Giáo phận Xuân Lộc.
Lẽ sống:
Căn
hầm bí mật
Một người hà tiện, bủn xỉn kia có thói quen giữ tất
cả vàng bạc và những vật quý giá trong một chiếc hầm bí mật tự tay ông ta lén
lút xây cất dưới nền nhà.
Một ngày kia, như thường lệ, ông ta lẻn xuống hầm để
ngắm những vật quý, nâng niu những thỏi vàng và những dây chuyền, những cà rá
nạm kim cương, hột xoàn to bằng những hạt đậu. Rủi thay, vì vô ý gài cửa không
kỹ, nên bộ phận bí mật vụt bật lên đóng sầm chiếc cửa cực kì kiên cố lại, chắn
lối ra duy nhất.
Dĩ nhiên không ai trong nhà biết về chiếc hầm bí
mật. Vì thế, mọi người đã bỏ cuộc sau khi lục lạo tìm kiếm ông ta mọi nơi trong
nhà cũng như mọi gốc cây, bụi kiểng ngoài vườn.
Sau một thời gian dài chờ đợi nhưng không nghe thấy
tăm hơi của ông ta ở đâu, người ta quyết định bán căn nhà. Người chủ nhà mới có
ý định sửa chữa lại một vài căn phòng của ngôi nhà và trong khi các người thợ
nề đập một bức tường, người ta khám phá ra cánh cửa bí mật ăn thông xuống chiếc
hầm. Khi những ngọn nến được thắp lên, người ta không khỏi sợ hãi thấy bộ xương
của một người đang ngồi bên cạnh một chiếc bàn con với một số vàng bạc, kim cương
bị quăng tung tóe xung quanh. Có dấu hiệu cho thấy là thậm chí người chết đã
phải ăn một cây nến trước khi bị chết đói.
"Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, khốn cho các
ngươi là những người tự cho mình là an toàn trên núi Samaria".
Lời chúc dữ những người
giàu có bất nhân và kiêu căng trên của tiên tri Amos cũng như những lời Chúa
Giêsu chúc dữ những kẻ giàu trong Tin Mừng không phải là những lời lên án tiền
bạc và của cải cách chung. Nhưng đây là những lời nêu lên sự nguy hiểm của quan
niệm kiêu hãnh, của tính tự cao, tự đại và nhất là thái độ và nếp sống ích kỷ,
dửng dưng không để ý đến những người nghèo khổ đang sống bên cạnh. Ðây là thái độ
và nếp sống thường thấy nơi những người giàu có.
Mahatma Gandhi, người đã đưa dân tộc Ấn Ðộ đến nền độc
lập khỏi ách thống trị của Anh quốc đã tuyên bố một tư tưởng cách mạng có thể đổi
mới xã hội:
"Trong hoàn cảnh đói khổ của những người đồng bào, đồng chủng, nếu ta giữ
một vật gì mà ta không cần dùng đến ngay bây giờ thì đó là những của chúng ta ăn
cắp".
Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tinh
thần liên đới và sự sẵn sàng chia sẻ cơm ăn áo mặc cho những người cần đến là
những ngọn đuốc sáng, là những đức tính giúp người Kitô chúng ta đóng trọn vai
trò men trong bột ở giữa xã hội chúng ta đang sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét