PHÚC ÂM:
Ga 11,
45-56
"Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản
mát về một mối".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
45 Khi ấy, trong số những
người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có
nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu
và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu
tập Thượng Hội Đồng và nói : "Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều
dấu lạ. 48
Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người
Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." 49 Một
người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng :
"Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các
ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."
51 Điều
đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên
tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà
thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ
ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người
Do-thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành
gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt
Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành
các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán
với nhau : "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không
?"
Suy niệm:
Chết
thay cho muôn người
Người Do Thái quyết định giết Chúa Giêsu để toàn dân khỏi chịu hiểm
họa. Nhưng thực ra Chúa chịu chết để ta được sống và để quy tụ mọi người thành
cộng đoàn con cái Thiên chúa.
Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị
ném đá, bị đe dọa. Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu và
Thượng Hội Đồng của Do Thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).
Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó là
việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11). Sự sống lại của
anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong
trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng, mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến
phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48). Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.
Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng, đột
nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là
toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).
Lời phát biểu bộc phát như thế, nào ngờ lại
là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế. Caipha chỉ muốn loại trừ
Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ, nhưng ông lại vô tình nói
tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu. Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc
Do Thái khỏi bị tiêu diệt, Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài. Nhưng Caipha
không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều. Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do Thái) mà thôi, nhưng
còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin
vào Đức Giêsu về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16). Cái chết
ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32). Đức Giêsu đã bị kết
án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức. Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống
cho một con người. Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành
Giêrusalem và sự tan hoang của cả đất nước Do Thái vào năm 70.
Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin. Hiệu quả
của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế. Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá
chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).
1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới
trong thời gian từ 1980 đến 2014
Ngày 24 tháng 3, Giáo Hội tại nhiều nơi
trên thế giới kỷ niệm ngày “Các Nhà Truyền Giáo Tử Đạo” là ngày cầu nguyện và ăn
chay để tưởng nhớ các nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên bước đường rao giảng
Chúa Kitô cho muôn dân.
Đây là một sáng kiến của phong trào thanh
niên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, được cử hành đúng vào ngày Đức Cha
Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San. Salvador bị giết chết. Ngài sẽ được
phong chân phước vào ngày 23 tháng 5 tới đây.
Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng
Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong thập niên từ năm 1980 đến 1989, có115 nhà truyền
giáo bị giết. Thập niên tiếp theo, tức là từ năm 1990 đến Năm Thánh 2000 con số
này tăng lên gần gấp 6 lần với 604 nhà truyền giáo bị sát hại. Sự đột biến này
chủ yếu là kết quả của tội ác diệt chủng ở Rwanda, với 248 nhà truyền giáo bị
giết tại đây.
Trong thời gian từ năm 2001 đến cuối năm
2014, 343 nhà truyền giáo bị thiệt mạng vì bạo lực chống lại đức tin Kitô.
Riêng trong năm qua 2014, 26 vị đã bị giết bao gồm 17 linh mục, 1 thầy, 6 nữ
tu, 1 chủng sinh, và 1 giáo dân.
Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, và
đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ. Có bao tín hữu
vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày, chỉ vì muốn theo gương Thầy
Giêsu đem sự sống cho anh em.
Sống Lời Chúa:
Cuộc đời chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi
biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Biết chia sẻ và cho đi như Chúa đã hy sinh
chính mạng sống của Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay, con đang được sống lại những
ngày cuối cùng của Chúa trên trần gian. Một bầu khí ảm đạm u buồn bao quanh cuộc
đời Chúa và bao trùm Hội Thánh trong những giờ phút linh thiêng này. Cuộc đời
Chúa là cuộc đời phục vụ trong yêu thương nhằm giải phóng con người khỏi những
ách nô lệ ngàn đời đang đè bẹp con người trong đau khổ. Nhưng những kẻ giả hình
có chức, có quyền, cả đạo lẫn đời thời đó không chấp nhận được Tin Mừng yêu
thương của Chúa. Và người ta đã không tiếp nhận Ánh Sáng và muốn tiêu diệt Ánh
Sáng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng con và
cho chúng con được giao hòa cùng Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết chuẩn bị
tâm hồn đón nhận ơn cứu độ mà Chúa đem đến cho chúng con.
Lẽ sống:
Ðem
lại một chút bầu trời
Ngày kia, tại miền Nam
TrungQuốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân chúng
sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn
rau cắt rốn của mình.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên
tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và khỏi bị những viên gạch, những hòn đá
ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé
đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi!
Phong hủi!".
Với những dòng nước mắt
lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là
những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: "Tại sao ông lại lo
lắng cho tôi?". Nhà truyền giáo đáp lại: "Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta
và cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của
con".
Suy nghĩ hồi lâu, em bé
cất tiếng hỏi: "Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của
ông?". Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: "Con hãy trao tặng lại cho những
kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt".
Kể từ ngày ấy cho đến 3
năm sau khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương
của các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến
tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và
các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau: "Bầu trời nhỏ
bé của chúng ta đã về trời".
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết
linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh chị em như chính
mình".
Chúng ta cố gắng áp dụng luật trên với niềm xác tín rằng: với
những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, với sự trao nhau một nụ cười, một lời thông
cảm, một sự tha thứ, với những hành động chia cơm sẻ áo, dù chỉ là một ly nước
lã, với các lần thăm viếng các bệnh nhân: nấu cho họ tô canh, chén cháo, quét
nhà, giặt giũ quần áo cho họ v.v... là chúng ta mang một chút thực tại Nước
Trời đến trong xã hội trần thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét