PHÚC ÂM:
Lc
18,9-14
“Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà,
thì đã được nên công chính, còn người Pha-ri-sêu thì không.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ
ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người
khác : 10
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người
kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng :
‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất
chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con
dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng
xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng :
‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người
này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia
thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên.”
Suy niệm:
CẦU NGUYỆN VỚI CHÚA
Người thu thuế đến đền thờ cầu nguyện và anh ý thức rõ thân phận tội
lỗi, bất xứng của mình: Anh không dám bước tới gần cung điện mà chỉ đứng xa xa ở
cuối đền thờ; thậm chí anh cũng không dám ngước mắt nhìn trời, mà chỉ cúi đầu, đấm
ngực và nói lên những lời thống thiết tỏ bày cõi lòng tan nát của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi.” Tâm tình của anh thật giống
với tâm tình của vịnh gia trong Thánh vịnh 50: bày tỏ với Chúa tấm lòng “tan nát” vì tội lỗi:
“Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát
dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê;” và nài xin lòng từ bi thương xót của Ngài: “Xin lấy lòng nhân hậu
xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy… (Tv 50). Cách cầu nguyện của anh là
cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, anh được Chúa nhậm lời và kể anh là người công
chính.
Bụi tro của Mùa Chay Thánh nhắc nhớ tôi sự
mỏng manh, yếu đuối và mọn hèn của kiếp người, của lòng người là biết mình rất
nhỏ bé, để luôn thấy mình cần cậy dựa vào ơn thánh từ Lòng Thương Xót.
Sống Lời Chúa:
Chúa đã tuyên dương thái độ của người thu
thuế, vì ông khiêm tốn thống hối ăn năn và chờ đợi ân sủng cứu độ từ lòng thương
xót của Chúa. Xin Chúa cho con đừng chỉ dừng lại nơi việc thống hối bên ngoài,
nhưng biết đi sâu vào nội tâm và thể hiện trong cuộc sống: biết đến với Chúa
trong tâm tình tin tưởng phó thác và biết đối xử với anh em trong tinh thần
huynh đệ cảm thông.
Điều mà Thiên Chúa ưa thích đó là tình yêu chứ không phải là những
hy lễ (Hs 6, 6)
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, hằng ngày con vẫn cầu nguyện trong giờ kinh lễ, và ngay lúc này con đang
cầu nguyện với Chúa. Xin Chúa giúp con khiêm tốn, không tự mãn, nhưng biết mở
lòng hướng nhìn về Chúa và cậy trông vào lòng thương xót bao la của Chúa. Lạy
Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con chỉ làm công việc con phải làm.
Lẽ sống:
Tôi
muốn con tôi sống
"Tôi muốn con tôi sống" đó là lời của bà
Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào
lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà
Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của
nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp
tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất,
cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi
dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong
một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có
chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi
mới kêu: "Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước". Nhưng lấy nước đâu
bây giờ?
Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục
làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng
tình mẫu tử
thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối
cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương
mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón
tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ
một lúc rồi nói: "Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm". Bà liền
cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa...
Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: "Lúc đó, tôi biết thế
nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống".
Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể
gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng
sống vì người mình yêu".
Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến
giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính
mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người
cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt
máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình
yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang
sống trong Chúa.
Nhờ phép Rửa Tội, người
Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những
giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá... Những giọt máu thần linh ấy một
cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu,
tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô
cằn... Bao lâu
chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ
chính tình yêu của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét