Thánh Phan-xi-ca Rô-ma, nữ tu
PHÚC ÂM:
Lc 4,24-30
“Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su
không chỉ được sai đến với người Do-thái.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
24 Khi đến Na-da-rét, Đức
Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một
ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 “Thật vậy, tôi nói cho
các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước
phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế
mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá
thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người
phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông
Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong
hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành thành này
được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng
Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy niệm:
Quê hương ngược đãi Chúa
Người Do thái trong hội đường Nazareth đã
tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ
ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của những người này. Nhưng kỳ thực
trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy: tự
hào là người Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi
hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ là ngọn đèn leo lét chực tắt trước gió.
Chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Ðây là một thứ niềm tin mà Ðức cố Hồng Y
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã
nhắc nhở:
"Nhiều người nói: "Tôi có đức tin, tôi còn đức
tin". Có lẽ đức tin là đức tin của giấy khai sinh, không phải là đức tin của
đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức và lý thuyết.
Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn với chính mình
mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa Giêsu, nền tảng
của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ".
Cũng thế, Kitô hữu nếu chỉ đóng khung trong
những nghi thức, tuân giữ luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa rời đức tin là
nguồn mạch sự sống. Vì sống là gì, nếu không là một sự thay đổi luôn luôn. Con
người sẽ chết khi một hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận
động. Ðối với đức tin cũng vậy, luôn luôn đòi hỏi một sự trao đổi với Thiên
Chúa và với anh em.
Nếu đối với người Kitô hữu, tin trước hết
là được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng
bắt con phải kính mến, nhưng Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương
con vô cùng. Nắm được đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn
tông đồ, đâu là lối chết của thế gian. Tin là chấp nhận Chúa Giêsu vô điều kiện
và quyết tâm sống chết với Ngài.
Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô cần có một thao thức tìm kiếm.
Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô đòi buộc phải trao đổi, cảm thông với anh em,
vì Ngài đang hiện diện trong những người anh em ấy.
Sống Lời Chúa:
Các ngôn sứ hay những con người của Chúa thường không được trọng đãi
nơi quê hương hay giữa đám người thân, bạn bè của mình, lý do là bởi vì người
ta không có đôi con mắt của đức tin để nhìn thấy nơi các ngài sự hiện diện và
hành động của Thiên Chúa, để tin tưởng ở nơi các ngài (Lc 4, 24-29; 2 V 5,
11-12)
Người khôn ngoan là người để cho Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời
mình, và lấy Lời và Thánh Ý của Thiên Chúa làm thước đo mọi sự, dù bề ngoài có
khi khác với mong đợi và dự tính của con người, thậm chí có khi không thể nào
hiểu được (2 V 5, 13-14)
Tôi tập có cái nhìn khách quan về một người
mình không ưa thích. Tôi cũng tập không ghen tức khi thấy có những người tốt hơn,
trổi trang hơn mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin cho con được biết trở về. Trở về, trước hết
chính ngay căn bản niềm tin của con. Một đức tin không có cùng trong những hiểu
biết lý thuyết hoặc những nguyên tắc nghi lễ, nhưng biết mở rộng tâm hồn để đón
nhận, để rồi con sẽ hiểu đâu là ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin.
Lẽ sống:
"Hãy
làm một cái gì đẹp cho Chúa"
Mẹ Têrêxa Calcutta thường hay
nói: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Chúa". Sau tên cực trọng của
Chúa Giêsu, hai chữ thường nằm trên đầu môi chót lưỡi của Mẹ là "tốt đẹp
và kỳ diệu". Hai tiếng ấy là một tóm gọn của bài ca ngợi khen của Ðức
Maria mà Mẹ Têrêxa đã lấy làm tâm tình của mình. Tốt đẹp và kỳ diệu thay Tình
Yêu Quan Phòng của Chúa được thể hiện qua những hy sinh và phục vụ của Mẹ dành
cho những người cùng khổ ở Ấn Dộ và trên khắp thế giới...
Cách đây hơn 15 năm, Malcolm
Muggerridge, một ký giả và bình luận gia nổi tiếng của đài BBC, đã cùng với một
nhóm chuyên viên của đài đến Ấn Ðộ để làm một cuộc phỏng vấn về Mẹ Têrêxa, về
các hoạt động của Mẹ. Sau năm ngày làm việc, đến lúc cắt xén và tháo ráp để
dựng thành cuốn phim, Mẹ Têrêxa đã thốt lên: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp
cho Chúa". Câu nói của Mẹ đã được ký giả Muggerridge lấy làm tựa đề của
cuốn phim thời sự về Mẹ và các nữ tu của Mẹ. Cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn
cũng mang cùng một tựa đề. Sau khi cuốc phim được trình chiếu trên đài BBC, thế
giới bỗng chú ý đến người nữ tu đã từ mấy chục năm qua âm thầm chăm sóc những
người cùng khổ nhất trong các khu ổ chuột ở Calcutta. Tốt đẹp và kỳ diệu thay!
Khuôn mặt đau khổ của nhân loại được phơi bày, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa
cũng được thể hiện qua những âm thầm hy sinh phục vụ của Mẹ Têrêxa và các nữ tu
của Mẹ.
Ngày nay, khi đi qua một số thành
phố lớn trên thế giới, thỉnh thoảng người ta đọc được bảng hiệu: "Hãy gìn
giữ cho thành phố được sạch" hoặc "Hãy làm đẹp thành phố". Những
khẩu hiệu ấy nhắc nhở cho kiều dân và khách qua đường về nghĩa vụ tôn trọng
trật tự, cũng như giữ cho thành phố được sạch sẽ và đẹp đẽ.
Mỗi người Kitô cũng là một thành phố của Thiên Chúa. Họ luôn được mời gọi
để giữ thơm và làm sạch cho thành phố ấy. Thay vì vứt bừa bãi ra bên ngoài
những rác rưởi của những hành vi bất chánh, họ luôn được mời gọi để bày tỏ một
bộ mặt tốt đẹp và kỳ diệu để qua đó thiên hạ sẽ nhìn vào mà ngợi khen Cha trên
trời...
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa": đó phải là câu tâm
niệm mà người Kitô thốt lên khi vừa thức giấc đón chào một ngày mới.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách dâng lên
Ngài hy sinh trong những công việc nhỏ bé hằng ngày.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng những cử chỉ
quảng đại, hy sinh phục vụ đối với những người cùng khổ nhất trong xã hội.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách sống tử
tế và không ngừng tha thứ cho những người xúc phạm đến mình.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng chứng tích của
một cuộc sống đầy lạc quan và vui tươi ngay cả khi chỉ gặp toàn đau khổ, thử
thách...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét