PHÚC ÂM:
Ga 8,
51-59
"Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan
vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
người Do-thái : “Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không
bao giờ phải chết.”
52 Người Do-thái liền nói :
“Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn
sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ
phải chết.’
53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng
hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết.
Ông tự coi mình là ai ?” 54 Đức Giê-su đáp : “Nếu tôi tôn vinh chính mình,
vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà
các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. 55 Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người.
Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng
tôi biết Người và giữ lời Người. 56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng
vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
57 Người Do-thái nói : “Ông
chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !” 58 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo
thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !”
59 Họ liền lượm đá để ném Người.
Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
Suy niệm:
Niềm
Tin và Lý Trí
Vì Đức Giêsu-Kitô là Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa hằng sống,
nên ai tin Ngài, giữ lời Ngài hay “ở trong” Ngài, thì sẽ “không bao giờ phải chết”
(St 17, 7-8; Ga 8, 51-52)
Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế
giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn
nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về
nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ
Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định
ném đá Người. Ðược sống mãi không phải chết là ước mơ muôn thuở
của con người, thế nhưng khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng nếu họ tuân
giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỉ
ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận
như sau: "Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Abraham đã chết,
các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao
giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham hay
sao?" Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi
xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao. Họ có lý nhưng tổ phụ
Abraham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Giavê Thiên Chúa kêu gọi
mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi.
Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ
nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi
mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình
ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm
thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này.
Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh
Gioan: "Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa
thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến
nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1, 9-11).
Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa
chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ
rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền
nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền
nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác. Tổ phụ Abraham đã
yêu mến Thiên Chúa và đã phó thác mọi sự cho Ngài và đã được toại nguyện. Ðức
Maria cũng đã khẳng định tương tự. Các thánh cũng hành động như thế; còn chúng
ta, chúng ta hành động ra sao?
Sống Lời Chúa:
Tuân giữ Lời Chúa chính là thực hành Lời Người
trong cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, Lời Chúa chính là sức mạnh giúp con lướt thắng trước những cám dỗ. Xin
cho con biết trung thành sống Lời Chúa để cùng về bến bình an với người.
Lẽ sống:
Mua
nghĩa
Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh
Thường Quân là tướng quốc nước Tề.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất
Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi
có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà
còn thiếu vật gì thì cứ mua về".
Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những
con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ
tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn
khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho
là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu
xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi
đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ:
trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó
ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều
nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều
nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con
nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng
công mua được điều nghĩa vậy".
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc
nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già
tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân
quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay
tôi mới trông thấy".
"Hãy dùng tiền
của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp
các con về chốn an nghỉ đời đời".
Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc
mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước
Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập
về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi
tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà
ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.
Ở đoạn 25 của Phúc Âm
Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào
cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:
- Những người đói
khát mà chúng ta đã cho ăn uống.
- Những kẻ rách rưới
mà chúng ta đã cho quần áo che thân.
- Những người đau ốm
mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.
- Những kẻ bị giam
cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.
- Những người sa cơ
lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét