PHÚC ÂM:
Ga 12,
1-11
"Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về
ngày táng xác Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Sáu ngày trước lễ Vượt
Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người
cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức
Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc
với Người. 3
Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức
Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức
Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5 "Sao lại không bán dầu thơm đó
lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? " 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người
nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những
gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ
dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh
anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." ( c 1-8 )
9 Một đám đông người Do Thái
biết Đức Giêsu đang ở đó. 10 Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng
còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 11 Các
thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do
Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu.
Suy niệm:
Xức dầu
chân Chúa
Tính ích kỷ và lòng tham lam khiến chúng ta chỉ nghĩ đến mình,
tính toán hơn thiệt với Chúa. Nhưng lòng bác ái và tình yêu thương sẽ dẫn ta đến
với Chúa và gần gũi anh em.
Thầy trò sống thân thiết gắn bó với nhau như
"bát nước đầy", còn mấy ngày nữa đâu, còn nhiều thời gian cho nhau nữa
đâu mà người môn đệ thân yêu nỡ tiếc xót với Thầy mấy quan tiền nhỏ mọn. Tình với
nghĩa mà hẹp hòi vậy sao? Ðời bạc bẽo và cay đắng vậy sao?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được dịp nhìn thấy thái độ bênh
vực người nghèo của tông đồ Giuđa phản bội Chúa. Giuđa tuyên bố như thể mình muốn
phục vụ người nghèo, nhưng thực ra chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư.
Nhưng về phần Maria, bà không thuộc nhóm 12 tông đồ được chọn sống
luôn bên cạnh Chúa để lắng nghe Ngài chỉ dạy, nhưng Maria đã hướng về Chúa với
hết tâm hồn của mình và đã thực hiện một việc được Chúa xem như là có giá trị
tiên tri loan báo mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Trong
khi đó thì Giuđa Iscario, một trong số 12 tông đồ đã được chọn lại có tâm địa
khác, ông chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư. Ông sống bên cạnh Chúa nhưng đã không
thực sự gặp được Ngài.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,
tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã lưu ý đến những người con tinh thần
như sau: Lâu nay, cha thấy con đi
kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không gặp Chúa, không suy tư với Chúa, không đối
thoại với Chúa, không hành động với Chúa. Con không an vui trong tâm hồn và con
dấn thân một mình ngoài Chúa. Con đã mời Chúa lui về nhà thờ. Sự ly dị giữa cuộc sống
đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội là nguyên tố tai hại nhất trong thời đại chúng
ta. Cả cuộc sống con phải loan truyền và tuyên xưng với hết tâm hồn
thống hối và yêu thương. Và với một hành động mà người ngoài có thể cho là một
hành động điên khùng uổng phí, nhưng trước mặt Chúa, đó là một hành động nêu gương
sáng cho kẻ khác.
Sống Lời Chúa:
Quảng đại chia sẻ của cải vật chất, để xoa
dịu bớt nỗi đau thương và thiếu thốn của đồng loại và hãy làm mọi việc vì lòng
yêu mến.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin thánh hóa con, giúp con tránh xa những quyến rũ của dục vọng, bớt đi
những tiệc tùng xa hoa, bớt rượu chè cờ bạc, bớt tích góp cho mình. Xin giúp
con biết san sẻ cho đời, không chỉ là tiền bạc mà còn chia sẻ chính tấm lòng
yêu thương. Vì con đường dẫn tới anh em cũng chính là con đường dẫn con đến với
Chúa.
Lẽ sống:
Chết
thay cho người
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng
anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi,
nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật
nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo
sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuật này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực
hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi
tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thân
quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân
nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để
cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người
trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc
nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên
bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi.
Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong
bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận
rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết
gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu
nổi".
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha
Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng
niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người
bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người
cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết
cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là
một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha
Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của
Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người
mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu
lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét