PHÚC ÂM:
Mc 6,1-6
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở
chính quê hương mình.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về
quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội
đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như
thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những
phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và
là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông
không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức
Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,
hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người
đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh
nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi
các làng chung quanh mà giảng dạy.
Suy niệm:
Tác giả Thư Do Thái khuyên nhủ tín hữu biết
quý mến việc sửa dạy của Thiên Chúa. Theo tâm lý chung, con người không thích người khác chê hay sửa
dạy. Có người tự ái dẫn đến phật lòng nhau. Tuy nhiên, việc sửa dạy đem đến cho
chúng ta những việc hữu ích: ‘Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy
buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa
trái là bình an và công chính’ (Dt 12,11).
Ngoài ra, nếu chúng ta kiên trì để cho lời
Chúa sửa dạy thì chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp cho chính mình và
giúp ích cho người khác vươn lên trong đời sống đức tin: ‘Bởi vậy, hãy làm cho
những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng
mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành’ (Dt
12,12-13).
Hơn nửa, nếu chúng ta kiên trì việc sửa dạy
thì việc ấy còn giúp ích cho đời sống cộng đoàn, rất thích hợp trong năm Tân
Phúc Âm Hóa Cộng đoàn và Họ đạo: ‘Anh em phải cố ăn ở hòa thuận với mọi người, phải gắng trở
nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ thấy Chúa. Anh em
phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai
trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người’ (Dt
12,14-15).
Sau cùng để Chúa dạy, chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn và nhất là biết
nhận ra giới hạn của con người đồng thời nhận ra quyền năng của Thiên Chúa (Mc
6,2). Từ đó chúng ta không bao
giờ xúc phạm đến Chúa như dân làng Nadarét coi thường Chúa Giêsu trong bài Tin
Mừng hôm nay (Mc 6,3). Kết quả, Chúa Giêsu rời khỏi nơi ấy mà không có phép lạ
nào xảy ra. Cũng vậy, nếu thiếu sự khiêm hạ có lẽ ân huệ của Chúa cũng tránh xa
chúng ta.
Sống Lời Chúa:
Tập nhận ra một khía cạnh tích cực, một đức
tính nổi bật của những người sống quanh mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giê-su, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội
Thánh có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con.
Lẽ sống:
Lạy cha chúng con ở trên
trời
Con
gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được
huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy
mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào.
Bà tâm sự tiếp: một ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô
mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.
Nghe
nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì
mà hay thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông
Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel? Lạy Cha
chúng con ở trên trời?".
Có
một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão.
Người ta nói bà là một tấm gương cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi:
-
Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất?
-
Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp
tục hỏi: "Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí
quyết của mình, bà cụ thật thà thưa:
-
Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh
Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc
xong.
-
Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp:
-
Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con? Con bỗng không hiểu sao Chúa có
thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha.
Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được.
Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:
-
À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của
chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
"Gần chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con
người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc
hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị.
Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng
ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ
trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực
hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét