PHÚC ÂM:
Lc 6,36-38
“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa
thứ tha.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
các môn đệ rằng : “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh
em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên
án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa
thứ tha. 38
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ
lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu
nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Suy niệm:
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh
em là Đấng nhân từ” C.36.
Trong Tin Mừng, Thánh Luca thường
cho ta thấy một Thiên Chúa qua hình ảnh “người cha nhân lành” yêu thương con
cái mình, hay là “vị thầy thuốc tốt” chăm lo cứu chữa bệnh nhân một cách tận tụy.
Trong Cựu Ước, dân Israel nói
đến Đấng nhân từ là ám chỉ Thiên Chúa, Người luôn bảo vệ và yêu thương họ.
Ngoài từ ngữ “nhân từ” ra, ta còn bắt gặp những tương tự trong Kinh Thánh như:
từ bi, thương xót, trắc ẩn, cảm thông…để nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Hình ảnh người
cha yêu thương chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái là nét đẹp từ xưa đến nay, rất
thân quen với mỗi chúng ta. Là những người con, chúng ta cũng nêu gương người
cha, phải học tấm lòng độ lượng bao dung của cha mình, như Chúa Giêsu dạy: “…
hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”.
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không
bị Thiên Chúa xét đoán…Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”
C.37.
Từ khi tổ tông
loài người phạm tội, con người mang
trong mình những mặc cảm, muốn che đậy nó, con người thường đổ lỗi cho nhau, thậm
chí lên án, ghen ghét đố kỵ nhau.
Sống giữa đời,
ta đối mặt với không ít thách đố. Có những xáo trộn, xung đột bất đồng, tranh
chấp không thể tránh khỏi. Biết con người yếu đuối như vậy, Chúa Giêsu khuyên ta đừng
xét đoán, đừng lên án anh em mình, mà hãy nhìn lại mình trước đã.
Chúa cũng dạy chúng ta biết tha thứ nữa
“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Không phải chỉ
tha thư 70 lần bảy, mà mãi mãi thứ tha.
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa
cho lại” C. 38a.
Trao ban hay cho
đi là đặc tính của Thiên Chúa. Ngài trao ban nhưng không: Ban cho ta sự sống,
cho ta được làm con cái Chúa và cứu chuộc ta, cho ta được sống dồi dào. Một
tình yêu cao vời, “có tình yêu nào quý hơn thí mạng sống cho người mình yêu”.
Chúng ta có được
gì nếu không phải tất cả là của Chúa. Nhưng chúng ta thường ích kỷ nhỏ nhoi. Chúa Giêsu dạy
“không chỉ yêu thương những ai yêu thương mình, mà yêu những kẻ ghét mình nữa,
và hãy cho người mà họ không có thể trả lại mình”.
Xin cho chúng ta biết dâng hiến, biết cho đi, biết yêu thương, cảm
thông, chia sẻ, hy sinh trong cuộc sống, để làm chứng cho Tình Yêu.
Chúng ta đang sống trong một xã hội thực dụng; người ta ước muốn tất
cả mọi sự đều phải được cân đong đo đếm một cách rạch ròi. Thế nên, dường như lòng thương xót và sự
nhân từ đang dần trở nên quý hiếm; những nghĩa cử bác ái đang là một thứ gì đó
xa lạ. Người ta lấy
tiền của làm thước đo mọi sự và coi đó như chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời.
Và biết đâu, chúng ta cũng không nằm ngoài vòng xoay đó? Thế nhưng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta, trước tiên hãy nhìn nhận thân phận yêu đuối của mình để chỉ cậy dựa
vào một mình Thiên Chúa. Tiếp đến, chúng ta cũng hãy trở nên những nhân chứng
cho Chúa qua những nghĩa cử bác ái yêu thương trong cuộc sống thường ngày.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn muốn
chúng ta tiến thêm một bước nữa. Ngoài việc nhìn nhận thân phận của mình để cậy
dựa vào tình yêu Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi noi theo những phẩm tính
tốt lành của Thiên Chúa là: Có lòng nhân từ, không xét đoán, không kết án, biết
tha thứ và cho đi. Tuy nhiên, để những việc lành chúng ta làm thực sự sinh ích
cho chúng ta, thiết tưởng, chúng ta phải thi hành tất cả những việc ấy với lòng yêu mến
Chúa.
Sống Lời Chúa:
Mùa Chay, chúng ta hãy khiêm tốn nài xin
Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu ban cho
chúng ta ơn biết nhận ra con người thật của mình để có thể thay đổi đời sống.
Những gì chưa phù hợp với thánh ý Chúa, xin Ngài hãy biến đổi, để chúng ta có
thể trở nên con người mới trong Chúa Kitô.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn mở lòng để đón nhận Lời Chúa, đón nhận tất
cả mọi người với lòng bác ái yêu thương, nhất là trong mùa chay này, là dịp thuận
tiện, cùng với Giáo hội, sám hối và trở về với Chúa là Cha. Lạy Chúa xin nâng đỡ
đức tin còn non yếu của chúng con, để ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn.
Lẽ sống:
Bàn thờ cho người nô lệ
Du khách đến viếng thăm nước
Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo
tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ, người ta có thể
đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà
thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".
Ngôi thánh đường này đã được xây
ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao
nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là
bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ
phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để
xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là
một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám
hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh
giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc
chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính
thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen
mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện dòng kín đã
được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc
nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà
thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng
đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người
khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía
cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với
chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha
nhân.
Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô
cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được
thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã
man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con
người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay
cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn
tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét