PHÚC ÂM:
Mt 5,20-26
“Hãy đi làm hoà với người anh em ấy đã.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính
hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy
người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.
Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn
ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy,
nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có
chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm
hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh
hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới
cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ,
và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi
đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Suy niệm:
CHỚ GIẾT NGƯỜI
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội
nặng, vì chỉ có Chúa làm chủ sự sống mới có quyền đó. Đó là công lý!
Luật của Chúa
trong tin mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp buộc tội
khi một người phạm tội. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ
nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Xin cho mùa chay này chúng ta biết giữ tâm
hồn cũng như môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.
Chúa nói “ai giận anh em mình thì đáng bị
tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và
ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân.”
Người xưa kết tội
khi người ấy ra tay giết anh em mình. Còn Chúa Giêsu lên án ngay từ đáy lòng kẻ
mắc tội lỗi ấy. Vì vậy, kẻ giết người thì thường bắt đầu từ chỗ ganh ghét, ghen tỵ,
giận dỗi. Và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng
hành động. Chúa cấm từ trong trứng nước như vậy.
1. “Ai giận anh em mình thì đáng bị xét xử”.
Giận dỗi thì ai
cũng dễ mắc lắm. “... dày môi hay hờn, giận cá chém thớt”. Người ta chỉ giận
người khác rồi mới nảy ra ý định giết người đó. Khi ta giận ai là ta muốn cho
người đó khuất mắt ta, ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa.
Cho nên giận như vậy thì chẳng khác gì giết người không dao.
2. Thái độ thứ hai được kể ngang hàng với
tội sát nhân là tội khinh dể anh em mình. Chúa Giêsu nói: “Ai bảo anh em mình
là đố ngốc... là đáng bị lên án trước công nghị.”
Tại sao khinh bỉ
người như thế mà cũng bị coi là giết người. Thưa vì khinh khi như thế, ta thường
kiếm cách sát phạt họ, làm hại thanh danh họ mà không cần gươm giáo gì cả. Cho
nên giết người ở đây là giết trong phạm vi tinh thần day dứt, làm cho người đó
khốn khổ, tủi nhục, tuyệt vọng, chết dần chết mòn... Đó cũng là cách làm cho
người đó chết mau hơn.
3. Cũng chưa hết, Chúa Giêsu nói: “Ai mắng
anh em là đồ khùng... đáng lửa hỏa ngục”.
Khi ta mắng một người như vậy là ta đóng một
vai trò quan án mà mình không có quyền như thế. Ta mắng một người như thế là ta
hạ thấp họ xuống hàng con vật hết trí khôn rồi, không đáng là người nữa. Trong
lòng chúng ta chất chứa những cay đắng giận dữ ghen ghét và ta muốn đổ hết lên
đầu người mà ta mắng chửi kia.
Chúng ta nhớ một
điều khi chúng ta phạm tội giết người từ trong tư tưởng, lời nói hay việc làm
là chính chúng ta cướp quyền của Thiên Chúa, là chúng ta phản bội Thiên Chúa.
nên đáng nhận lấy hình phạt là lửa địa ngục.
Chúng ta phải ăn năn thống hối nhiều lắm
vì đời chúng ta hằng gây sóng gió bằng lời ăn tiếng nói làm đau khổ, làm tan
nát bao nhiêu tâm hồn. Do bởi lời nói, chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử ngày
phán xét đó!
4. Tha thứ không
phải là điều dễ nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng
đáng: "Nếu
ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với
ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy
đến mà dâng của lễ." . Tha thứ là bắt đầu lại mối tương quan tốt
đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người
chúng ta.
Sống Lời Chúa:
Sống “công chính hơn” không hệ tại ở một số
việc làm hình thức bên ngoài mà ở cả tấm lòng yêu mến: không phải cứ dâng nhiều
lễ vật lên Chúa là đủ mà trước hết phải sống hoà bình với nhau; giới răn “chớ giết
người” không chỉ cấm xâm phạm mạng sống con người, mà còn đòi loại bỏ khỏi tâm
trí mọi ý tưởng giận ghét anh em nữa, bởi vì “ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga
3,15). Hơn nữa, cả khi chúng ta làm những việc tự bản chất là tốt,
nhưng nếu không làm vì mến Chúa thì những việc đó cũng chưa thể giúp ta đạt được
tiêu chí “công chính hơn” này.
Kiểm điểm lại những việc làm vì hư danh hay
vì lòng yêu mến Chúa thực sự.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ như Chúa đã từng yêu thương
và tha thứ cho chúng con. Amen.
Lẽ sống:
Ðám đông dưới chân Thập Giá
Một
trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan,
sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm,
ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương,
thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả
một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn
nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa
Giêsu.
Nhìn
kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng
tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó
chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ
đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại
chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra
giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội
lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng
góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả
cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc
đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả
thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người
Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ
trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài
vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo
Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có
niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao
Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm
bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự
vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng
ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập
giá. Tội lỗi của
chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng
reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta
chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta
chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc
chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét