PHÚC ÂM:
Mt 23,1-12
“Họ nói mà không làm.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên
toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy
giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó
những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động
ngón tay vào. 5 Họ
làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm
hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng
và được thiên hạ gọi là thầy.
8 “Phần anh em, thì đừng để
ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh
em với nhau. 9
Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một
Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo,
vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả,
phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ
mình xuống, sẽ được tôn lên.”
Suy niệm:
KHIÊM NHƯỜNG LÀ CHÂN THẬT
Người thợ lặn ngọc trai, dù gặp sức nước đẩy
ngược lên, vẫn cố lặn sâu đến tận đáy biển để có thể chạm được những vỏ trai chứa
ngọc quý giá dưới đáy biển. Cũng vậy, nỗ lực hạ mình sống khiêm nhường của ta
thường bị sức đối kháng của sự kiêu căng đẩy ta lên, không để ta sống đúng sự
thật về bản thân, là nền tảng cho sự cao trọng của ta. Chiến đấu để sống khiêm nhường là một cuộc chiến
dai dẳng suốt đời, bởi vì thói cao ngạo, tính kiêu căng, muốn đặt mình làm
trung tâm của vũ trụ, là cám dỗ thâm căn cố đế của con người. Người khiêm nhường
đẹp lòng Thiên Chúa vì biết mình là gì trước mặt Ngài, và sống theo sư thật đó.
Thánh Phanxicô Assisi nhận xét: “Con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào,
thì thực sự là thế ấy.”
Sống Lời Chúa:
Đề phòng sự kiêu ngạo theo kinh “Cải tội bảy
mối”: thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giê-su, xin Chúa cho con sống khiêm nhường, nhìn nhận đúng sự thật về mình, theo cái nhìn
của Chúa, chứ không phải theo cách người đời đánh giá. Xin cho con luôn thờ phượng
Chúa trong tâm tình của người môn đệ khiêm nhu, phục vụ anh chị em trong tinh
thần huynh đệ khiêm tốn.
Lẽ sống:
Vàng bạc trong tro bụi
Trong kinh điển Phật giáo, có ghi
lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người giàu có và tham lam
nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến
độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến
thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau:
"Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu
tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên
sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi
trên đó và rao bán cho mọi người".
Người giàu có làm theo lời khuyên
của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán
tro, ông trả lời như sau: "Ðây là tất cả tài sản của tôi".
Một ngày kia, có một em bé gái mồ
côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với
của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: "Thưa ngài,
ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?". Ngạc nhiên trước
lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: "Xin
cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?".
Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàng hiện lên trên đôi tay em trước
sự ngạc nhiên của người giàu có.
Sự vật luôn có hai mặt. Kẻ tham lam nhìn vào chỉ thấy tro bụi và những
của cải chóng qua ở đời này, trái lại người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy được
những giá trị vĩnh cửu. Kẻ bi quan nhìn vào sự vật sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối,
nhưng người lạc quan lại nhìn thấy ánh sáng và vẻ cao đẹp của sự vật. "Hãy thử nghĩ đến
những sự vật trên trời": đó là lời khuyên vàng ngọc của Thánh Phaolô.
Tưởng nghĩ đến những sự trên trời không có nghĩa là sống trong thế giới của mơ
mộng, ảo tưởng mà trái lại là sống tích cực trong thế giới này, sống bằng đôi
mắt luôn tỉnh thức để nhìn ra chiều kích vĩnh cửu của cuộc sống, sống bằng tâm
hồn trong sạch để nhận ra được những giá trị cao đẹp của cuộc sống. "Ðầu đội
trời nhưng chân đạp đất": đó là thế đứng đích thực của con người. Cắm rễ
trong lòng cuộc sống này, nhưng vẫn luôn hướng nhìn về trời cao. Sống một cách trọn
hảo trong từng phút giây của cuộc sống. Sống với tất cả trân trọng từng sinh
hoạt hằng ngày. Sống với cái thường nhật của tất cả tin yêu, cảm mến... Ðó
chính là cách sống của người có niềm tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét