Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo - Các thánh
Phê-rô Bao-ti-xi-ta,
Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo, Dòng I và III - lễ nhớ
PHÚC ÂM:
Mc 6,14-29
“Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông
đã trỗi dậy.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
14 Khi ấy, vua Hê-rô-đê nghe
biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói : “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả
từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” 15 Kẻ khác nói : “Đó là ông Ê-li-a.”
Kẻ khác nữa lại nói : “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” 16 Vua
Hê-rô-đê nghe thế, liền nói : “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi
dậy !”
17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai
người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà
Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài
không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết
ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người
công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất
phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến :
nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ
và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu
vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con
muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù
một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ
cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng
: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà
vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn
thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới.
Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái,
và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt
trong một ngôi mộ.
Suy niệm:
Chúa Giêsu bị bắt và đến gặp tổng trấn
Philatô để ông quyết định số phận của Chúa Giêsu. Trong lúc chất vấn với nhau,
Philatô hỏi Chúa Giêsu sự thật hay chân lý là cái gì? (Ga 18,38). Chúa đáp lại
bằng sự im lặng!. Sự thật hay chân lý chính là con người của Chúa Giêsu. Thật vậy,
chính con người của Ngài là chân lý và là sự thật, bởi vì lời nói việc làm của
Ngài là sự thật và nhất là làm chứng cho Sự Thật – Thiên Chúa Cha.
Tác giả Thư Do Thái đã minh chứng sự thật về
Chúa Giêsu: ‘Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như
hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời’ (Dt 13,8). Sau khi đã chứng
minh Chúa Giêsu là vị trung gian của Giao Ước mới đem ơn cứu độ cho con người
và khuyên chúng ta làm những việc sau đây: Trước hết là bác ái huynh đệ. Tại
sao phải làm như thế? Bởi vì bản chất của đạo Công giáo là mến Chúa yêu người như chính
Chúa Giêsu đã nói: ‘Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy
là hãy yêu thương nhau’ (Ga 13,35). Thư Do Thái khuyên chúng ta: ‘Anh em hãy giữ
tình huynh đệ’ (Dt 13,1). Tiếp đến là chúng ta cần phải có tinh thần
hiếu khách.
Tại sao? Bởi vì khách ở đây không chỉ là
khách của chúng ta nhưng là người được Chúa sai đến là các thiên thần (Tb
3,17). Ngoài ra, chúng ta phải trung thành tin tưởng vào Thiên Chúa, đừng quá
tham lam bởi vì chúng ta không thể làm tôi hai chủ ‘Thiên Chúa hay tiền tài’
(Mt 6,24). Hơn nữa, chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa vì Thiên Chúa yêu
thương và chăm sóc cho chúng ta: ‘Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ
ngươi’ ( Dt 13,5). Hãy tin tưởng vào Chúa như tác giả bài đọc một
chia sẻ: ‘Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi
tôi được’ (Dt 13,6). Hình ảnh trung thành và tin tưởng vào Chúa cụ thể qua bài Tin Mừng
chính là Gioan Tẩy Giả. Ông làm chứng cho sự thật và dám nói lên sự thật dù sẵn
sàng bị chém đầu.
Sống Lời Chúa:
Bạn và tôi được mời gọi để sống cho sự thật.
Khi bưng bít sự thật, khi không dám làm chứng cho sự thật, chúng ta bị sự thật
“quấy nhiễu”: chúng ta bị “cắn rứt lương tâm”. Trái lại dám chấp nhận trả giá
khi sống theo sự thật, thì dù sống hay chết, lòng chúng ta sẽ luôn thanh thản,
bởi vì “sự thật sẽ
giải thoát anh em” (Ga. 8,23).
Bạn có nghe nói điều này: “Bạn có thể lừa dối
tất cả mọi người một ít lâu, và lừa dối một ít người mãi mãi, nhưng bạn không
thể mãi mãi lừa dối tất cả mọi người”? Bạn có suy nghĩ gì về lời đó?
Thực hành phương châm: “Nói sự thật trong lòng bác ái” (x. Ep 4,5)
cũng là chủ đề tông huấn của đức Bê-nê-đi-tô XVI “Veritas in caritate” (Sự thật
trong lòng mến).
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, thắng hay thua rồi ai cũng chết. Giàu có hay nghèo khổ rồi cũng sẽ qua đi.
Chỉ có tình yêu và sự thật để lại đời. Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tiền Hô để lại
mẫu gương anh dũng, mẫu gương giúp cho đời đạt được hạnh phúc và bình an. Ngược
lại, vua Hêrôđê và bà Hêrôđia cũng để lại sự thật cho đời là dối trá dẫn đến chết
chóc và tội lỗi. Xin cho mỗi người chúng con biết theo gương Chúa và các Thánh
biết tìm kiếm chân lý sự thật trong cuộc sống hầu được hưởng bình an và hạnh
phúc với Chúa muôn đời.
Lẽ sống:
Hướng về Nagasaki
Nagasaki
là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm
ngàn sinh linh vào năm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26
vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố
Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người
thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc
loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp
việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức
tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.
Khi
các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm
thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài cộng đoàn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín
hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà
26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.
Vào
năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh
vào năm 1862.
"Bản
án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi
Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính
tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như
vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao
truyền danh Ngài.
Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn
nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn
được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những
người xử tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất
cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt
mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái".
Ðó
là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki,
người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo
tại Nhật.
Ngày
nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường,
nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do
hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao
giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.
Ước
gì sự xác tin, lòng can đảm và sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống
mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét