PHÚC ÂM:
Mc 7,31-37
“Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ
câm nói được.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ
vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người
ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay
trên anh. 33 Người
kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng
mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói :
Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc
lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với
ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói :
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm
nói được.”
Suy niệm:
PHÁ ĐỔ BỨC TƯỜNG NGĂN CÁCH
Trình thuật của đoạn sách Sáng Thế trong
bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy tiến trình của một cơn cám dỗ và sa ngã.
Ma quỷ tìm đến với bà Eva khi bà ở một
mình.
Ma quỷ không xuất hiện bằng hình ảnh xấu
xa, kinh dị, nhưng bằng những hình ảnh mà con người có thể tiếp xúc được (rắn).
Ma quỷ không kêu con người làm điều sai, nhưng
nó sẽ làm cho con người để ý đến nó (rắn nói với bà Eva: “Có thật Thiên Chúa bảo
các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” Sự thật đâu phải vậy!)
Khi con người đã “vào cuộc” với ma quỷ, nó
sẽ nói sai lạc về Thiên Chúa (rắn bảo: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên
Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên
như những vị thần biết điều thiện điều ác”).
Con người bắt đầu bị lung lay đức tin.
Con người tìm cách để biện minh cho chân lý
hoặc luật lệ là sai trái, khắt khe; hoặc ít ra điều mình sắp làm là có lý do của
nó…
Và… phạm tội
Đừng bao giờ nghĩ rằng thử một lần cho biết, không sao đâu…
Và sau cùng, nếu chúng ta có yếu đuối lỡ lầm, sa ngã phạm tội thì
hãy khiêm tốn nhìn nhận, đừng trốn tránh; hãy chân thành xin lỗi Chúa, đừng đổ
thừa hoàn cảnh.
Ngày 13/11/1989 bức tường Berlin (Bá-Linh)
cao 8 mét, dài 700 cây số, sau 28 năm chia cắt thủ đô và đất nước Đức đã bị phá
đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau, nước Đức
được thống nhất. Tật câm điếc như bức tường ngăn cách kẻ câm điếc với gia đình
và xã hội. Điếc
không nghe, không hiểu, không thông cảm với ai được; câm không nói, không cho
người ta hiểu tâm tư nguyện vọng của mình. Sống giữa người khác mà như bị nhốt
tù trong bốn bức tường câm lặng. Đức Giê-su đã đến phá đổ bức tường câm điếc
cho anh, anh có thể nghe được, nói được, và mọi người cũng nghe được và hiểu được
anh. Tình liên đới, thương mến sống lại
trong anh. Anh được đoàn tụ, hợp tác xây dựng cuộc đời tươi đẹp biết bao với mọi
người.
Sống Lời Chúa:
Bạn có phải là người câm điếc tâm hồn, khép
kín trong chính mình, tự cô lập, không chịu mở ra với người khác để đối thoại,
trao đổi? Bạn hãy đến với tha nhân bằng thái độ chăm chú lắng nghe và nếu cần
nói, hãy nói những lời mang tính xây dựng.
Tập lắng nghe tiếng nói của người cô đơn,
người phiền muộn, kẻ âu lo, người nghèo đói và biết nói với họ những lời tình
nghĩa yêu thương.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin phá đổ bức tường thành kiến trong tâm trí chúng con, để chúng con lắng
nghe được tiếng gọi thổn thức của anh em, và tiếng thúc giục của Lời Chúa.
Lẽ sống:
Mang tên một vị Thánh
Hiện nay, những người vẽ bản đồ
tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn
lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và
những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu
đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô
thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành
phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người
hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter,
nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các
đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình,
thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.
Tại cộng hòa Georgia, trường đại
hoặc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp
đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại
tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi
lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye,
Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.
Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta
thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng
thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh
Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh.
Thật thế,
nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của
Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của
Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là căn tính của
người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc
nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh
thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để
cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì
thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để
sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự
thánh thiện của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét